Canada: Thị trường triển vọng

Nhu cầu lớn

Canada có đường bờ biển dài nhất thế giới với 244.000 km, chiếm 25% đường bờ biển thế giới. Công nghiệp đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản Canada hoạt động trên cả ba vùng lớn là Đại Tây Dương, Thái Bình Dương và vùng nước ngọt.

Canada xuất khẩu trên 75% hàng thủy sản tới 80 quốc gia. Là nước xuất khẩu thủy sản ròng, nhưng ngành thủy sản Canada vẫn không đáp ứng được nhu cầu trong nước. Mức tiêu thụ thủy sản trên đầu người của Canada khá cao so với một số nước châu Mỹ. Mấy năm gần đây nhập khẩu thủy sản vào nước này vẫn tăng đáng kể, nhất là từ châu Á (Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, Ấn Độ…); trong đó, tăng mạnh nhất từ Thái Lan, Trung Quốc.

Là nước xuất khẩu thủy sản ròng, nhưng ngành thủy sản Canada vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu trong nước

 

Ưa chuộng thủy sản bền vững

Xu hướng và nhu cầu của người tiêu dùng Canada gần giống Mỹ, nhưng tiêu dùng bình quân đầu người ở Canada cao hơn đáng kể. Tại thị trường này, hải sản khai thác được ưa chuộng nhất và đang có xu hướng tăng.

Mấy năm gần đây, Canada tiêu thụ khá nhiều tôm nước ấm (như tôm sú, tôm thẻ chân trắng của các nước Đông Nam Á, Trung Quốc…). Bên cạnh đó, người tiêu dùng Canada ngày càng ưa chuộng sản phẩm thủy sản chế biến, nhất là tôm chế biến và tôm đông lạnh, do tính tiện dụng cao. Trong thực đơn nhiều nhà hàng, các món chế biến từ tôm ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, mặt hàng tôm còn vỏ ướp đá hoặc đông lạnh được chuộng hơn cả. Tôm đông lạnh nhập khẩu được người Canada ưa thích cả về hình thức lẫn kích cỡ phổ biến. Họ sẵn sàng trả giá cao hơn cho sản phẩm chất lượng tốt.

Hiện, thị trường tôm Canada có xu hướng rất rõ ràng với những yêu cầu về sức khỏe, dinh dưỡng và thuận lợi cho người tiêu dùng. Họ ngày càng quan tâm đến vấn đề nguồn gốc sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm; sản phẩm được sản xuất có trách nhiệm và bền vững với môi trường.

 

Khó thâm nhập

Nguồn cung thủy sản nội địa của Canada khá dồi dào nên yêu cầu đối với sản phẩm nhập khẩu của nước này cũng khắt khe hơn. Hầu hết các nhà nhập khẩu thủy sản Canada đều muốn đến tận cơ sở sản xuất, kinh doanh của nhà xuất khẩu để đánh giá thực tế năng lực của nhà cung cấp, từ đó xét xem có thể thiết lập quan hệ làm ăn lâu dài được không. Mặt khác, thủy hải sản nhập khẩu vào Canada thường bị tạm giữ đến khi có sự cho phép nhập khẩu của Cục Giám định thực phẩm Canada (CFIA).

Sản lượng và giá trị nuôi trồng thủy sản của Canada từ năm 1992 và dự kiến đến năm 2015 (Source: Aquaculture.ca)

Một số doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam sang Canada cho biết, theo quy định hiện hành, nhập khẩu tôm vào Canada không cần có chứng thư vệ sinh do Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) cấp. Tuy nhiên, giữa NAFIQAD và Cơ quan Thanh tra thực phẩm Canada (CFIA) đã ký biên bản thỏa thuận song phương; theo đó, lô hàng nào có chứng thư của NAFIQAD sẽ được giảm tần suất kiểm tra. Vì vậy, khách hàng Canada thường yêu cầu phải có chứng thư của NAFIQAD. Để có được chứng thư này, doanh nghiệp phải mất 1.200 – 1.500 USD/lô hàng, để kiểm tra các chỉ tiêu vi sinh và kháng sinh. Điều này gây khó cả về thời gian lẫn chi phí cho doanh nghiệp xuất khẩu tôm sang Canada.

Bên cạnh đó, để thành công trên thị trường Canada, nhà xuất khẩu còn phải có bản lĩnh để cạnh tranh với các đối thủ đã hiện diện ở thị trường này nhiều năm qua, như Trung Quốc. Hơn 10 năm qua, Trung Quốc đã chiếm thị phần đáng kể trong tổng nhập khẩu cá và sản phẩm thủy sản của Canada.

           

Cần am hiểu thị trường

Bảy tháng đầu năm 2012, với giá trị xuất khẩu 76 triệu USD, thủy sản là mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn thứ hai sau hàng dệt may trong cơ cấu các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Canada.

Theo VASEP, năm 2011, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Canada đạt 144,049 triệu USD, tăng 23,1% so cùng kỳ năm 2010. Và tính đến ngày 15/12/2012, Việt Nam đã thu về hơn 127 triệu USD từ thị trường này, giảm 1,3% so cùng kỳ năm 2011; trong đó, xuất khẩu cá ngừ gần 9,8 triệu USD (tăng 42,2%), nhuyễn thể hai mảnh vỏ hơn 1,1 triệu USD (tăng 6,5%); tôm hơn 67 triệu USD (giảm 10%).

Sức tăng trưởng về giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường Canada chưa thật sự ấn tượng, nhưng theo nhận định của nhiều chuyên gia, Canada vẫn là thị trường tiềm năng của thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, để thành công trên thị trường này, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam cần phải hiểu rõ thị trường, có chiến lược cụ thể, quan tâm nhiều hơn đến mẫu mã hàng hóa, phát triển mặt hàng mới, chú trọng chất lượng dịch vụ, bao gói, nhãn mác, giá cả phù hợp… Đồng thời, doanh nghiệp nên giới thiệu thông tin về mình qua email cho đối tác, thông qua ảnh chụp, giá cả hàng hóa, giấy chứng nhận về sản phẩm doanh nghiệp một cách cụ thể…

Bản đồ liên bang bao gồm 10 tỉnh bang và 3 lãnh thổ của Canada

>> Xuất khẩu sang Canada, cần lưu ý:

– Tiêu chuẩn thực thi: Áp dụng cho vấn đề an toàn thực phẩm, lĩnh vực nhiên liệu và thiết kế bao bì để vận chuyển hàng độc hại;

– Tiêu chuẩn mô tả: Nhận dạng đặc điểm sản phẩm như độ dày, loại và kích cỡ vật liệu;

– Tiêu chuẩn thiết kế: Nhận dạng các đặc điểm kỹ thuật hay thiết kế của một sản phẩm;

– Tiêu chuẩn quản lý: Là bộ tiêu chuẩn về vấn đề hệ thống quản lý môi trường và chất lượng (như ISO 9000 và ISO 1400).

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *