Cần xử lý hình sự đối với hành vi bơm chích tạp chất vào tôm

Ông Phạm Tiến Dũng– Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành 1, Thanh tra Bộ NNPTNT

Ông Phạm Tiến Dũng– Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành 1, Thanh tra Bộ NNPTNT

Trong gần 1 năm qua, lực lượng thanh tra chuyên ngành của Bộ NNPTNT đã phối hợp các cơ quan chức năng (công an, quản lý thị trường…) các địa phương bắt giữ, triệt phá nhiều vụ bơm tạp chất vào tôm. Vậy đến nay, diễn biến tình trạng bơm tạp chất vào tôm như thế nào, thưa ông?

– Tình trạng bơm tạp chất vào tôm gây ra rất nhiều hệ lụy xấu, đây là hành vi kinh doanh gian lận thương mại, đánh lừa người tiêu dùng, khiến chất lượng tôm không đảm bảo an toàn thực phẩm, bôi nhọ hình ảnh thương hiệu tôm Việt Nam đối với thị trường xuất khẩu. Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo các bộ, ngành chính quyền địa phương vào cuộc để đến cuối năm 2018 phải chấm dứt triệt để tình trạng này. Sau chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ NNPTNT cũng đã có văn bản chỉ đạo các địa phương quán triệt tinh thần đó để phối hợp với các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt. 

http://streaming1.danviet.vn/upload/4-2017/images/2017-11-30/Bai-cuoi-Can-xu-ly-hinh-su-doi-voi-hanh-vi-bom-tap-chat-vao-tom-chinh-1512038647-width500height397.jpg Hồi tháng 7.2017, Thanh tra Bộ NNPTNT và các lực lượng chuyên môn đã bắt quả tang vụ bơm tạp chất vào tôm tại một cơ sở ở Hoàng Mai, Hà Nội. Ảnh: D.V

Hồi tháng 7.2017, Thanh tra Bộ NNPTNT và các lực lượng chuyên môn đã bắt quả tang vụ bơm tạp chất vào tôm tại một cơ sở ở Hoàng Mai, Hà Nội. Ảnh: D.V

Các cơ quan liên quan của Bộ NNPTNT như Thanh tra, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã phối hợp với Cảnh sát môi trường (Bộ Công an); Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) tổ chức nhiều đoàn thanh kiểm tra đột xuất, liên tục truy quét, bắt giữ, xử lý nhiều vụ vi phạm bơm tạp chất vào tôm. 

Phải chăng sự vào cuộc của các địa phương chưa triệt để, đồng thời sự phối hợp giữa địa phương và các ban, ngành liên quan chưa chặt chẽ?

– Sau khi có sự chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ NNPTNT, nhiều địa phương đã vào cuộc tích cực, tuy nhiên có những địa phương lãnh đạo cấp tỉnh rất quyết tâm nhưng các huyện, xã còn đang lơ là, thụ động, cũng có những tỉnh mặc dù đã ký cam kết hành động nhưng hành động chưa quyết liệt nên tình trạng bơm tạp chất vào tôm vẫn còn tiếp diễn, chưa được xử lý triệt để.

Có những huyện, đoàn thành tra chúng tôi đến, họ chia sẻ rằng chúng tôi biết chỗ này chỗ kia đang diễn ra tình trạng bơm chích tạp chất vào tôm nhưng không biết phải xử lý thế nào. Cũng có những nơi đoàn thanh tra đến nhưng không thể vào cơ sở bơm tạp chất được vì tường cao kín cổng, đến khi vào được thì cơ sở đã tẩu tán hàng. Có những nơi chúng tôi mới vào đầu xã thì cơ sở bơm tạp chất đã biết có đoàn thanh tra đến rồi. Chính vì vậy, tôi khẳng định để xóa bỏ tình trạng này, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc.

Tình trạng bơm tạp chất vào tôm đã ảnh hưởng không nhỏ đến hình thương hiệu tôm Việt. Vậy theo ông, cần làm gì để phòng chống triệt để tình trạng này?

– Để làm được như thế, theo tôi công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh hơn nữa. Chúng ta cần tuyên truyền liên tục để người dân nhận thấy được việc bơm tạp chất vào tôm là hành vi sai trái, vô đạo đức, gây hại sức khỏe con người, không những thế còn ảnh hưởng đến uy tín thương hiêu tôm Việt Nam trên thế giới. Cần tuyên truyền mạnh mẽ để người dân nhận thức được và đồng hành với cơ quan chức năng.

Đối với chính quyền địa phương, bên cạnh việc cam kết hành động, cần có những phương án cụ thể nhằm vào cuộc có hiệu quả, ngoài ra cần cụ thể hóa trách nhiệm cho từng cá nhân tổ chức để bộ phận nào làm không tốt, cá nhân nào làm chưa tròn vai thì quy trách nhiệm rõ ràng. Nếu giao chung chung cho địa phương chịu trách nhiệm thì không biết trách nhiệm đến đâu, nếu địa phương làm chưa đến nơi đến chốn thì xử lý như thế nào.

Đối với cơ quan chức năng, tôi cho rằng việc chúng ta tổ chức các đoàn thanh kiểm tra phối hợp với địa phương liên tục truy quét và duy trì cường độ kiểm tra là rất tốt. Tuy nhiên phải thấy bên cạnh dẹp bỏ nguồn cung, chúng ta cũng cần mạnh tay với cầu, nhu cầu sử dụng nguồn hàng tôm bơm tạp chất là có và thậm chí rất nhiều. Vì vậy công tác hậu kiểm vô cùng quan trọng. Khi chúng ta cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, cơ quan liên quan cũng cần hậu kiểm xem đầu ra sản phẩm của cơ sở đó có đảm bảo không.

Nhiều ý kiến cho rằng, tình trạng bơm tạp chất vào tôm vẫn tiếp diễn bởi chế tài xử phạt chưa đủ răn đe, quy định chưa đủ chặt chẽ. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

– Về chế tài xử phạt, với mức phạt 70 triệu đồng cho hành vi bơm tạp chất vào tôm, đối với các cơ sở nhỏ lẻ tôi cho là đủ sức răn đe, tuy nhiên đối với các cơ sở có tổ chức, có quy mô, chúng ta cần có mức xử phạt hợp lý.

Tuy nhiên có một vấn đề trong xử phạt đó là sau khi phạt hành chính xong không có quy định tịch thu hàng để xử lý tiêu hủy, vẫn để tôm cho cơ sở  tái chế lại, điều này chưa ổn. Theo tôi đồng thời với xử phạt hành chính, là tịch thu sản phẩm để cơ quan chức năng tiêu hủy. Vì vậy cần bổ bổ sung sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật đặc biệt sửa đổi bổ sung Nghị định 178 về xử phạt hành chính đối với lĩnh vực an toàn thực phẩm.

Một số doanh nghiệp cho rằng lợi nhuận của việc bơm tạp chất vào tôm là rất lớn. Do đó cần xử lý hình sự lúc đó mới hạn chế và dần chấm dứt tình trạng trên. Theo ông đây có phải biện pháp cần thiết để chấm dứt tình trạng này?

– Tôi đồng tình với quan điểm này. Nếu chỉ xử phạt hành chính thôi chưa đủ, cần đưa lên mức hình sự để có tính răn đe mạnh mẽ hơn.

Xin cảm ơn ông!

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *