Cần phát triển thị trường

Diễn biến thị trường

Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam Võ Hùng Dũng cho biết: 6 tháng đầu năm 2015, nhu cầu khá ổn định ở một số thị trường chính, Trung Quốc đang tăng và tăng trở lại ở Brazil.

Diễn biến trong từng tháng: thị trường EU liên tục giảm trong 6 tháng; Mexico tăng trong tháng 1 đến 81,5% nhưng các tháng sau đó liên tục giảm; Colombia và ASEAN tăng trong tháng 1 và 3, các tháng về sau giảm; Mỹ giảm trong 2 tháng đầu năm, sau đó tăng liên tục với tháng 4 tăng cao nhất 50,5%; Trung Quốc và Hồng Kông liên tục tăng trong suốt 6 tháng với tháng 1 tăng cao nhất, đến 95,5%. Tổng kim ngạch tất cả các thị trường liên tục giảm trong 6 tháng, lớn nhất là tháng 2 giảm 23,9%.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản Nguyễn Thị Hồng Minh phân tích về phân khúc thị trường: Trước năm 2007, cá tra xuất khẩu vào Mỹ và EU chiếm 60% tổng kim ngạch, nay chỉ còn 40%. Sự đa dạng hóa thị trường hiện nay mở ra các thị trường mới như Nga, Mỹ Latinh, Trung Đông, Trung Quốc “là các thị trường dễ hơn về chất lượng, giá thấp hơn”.

Chế biến cá tra xuất khẩu – Ảnh: Lê Hoàng

 

Lựa chọn cho tương lai?

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh nêu ra các phương án chọn thị trường cho tương lai: Xuất khẩu nhiều cá chất lượng thấp tới các thị trường đang phát triển? Hay là nâng cấp ngành cá để tạo ra thương hiệu quốc gia như cá hồi Na Uy, Scotland để đến các thị trường khó tính hơn? “Tăng thị phần vào thị trường các nước phát triển bên cạnh việc mở rộng thị phần các nước đang phát triển”, bà đề xuất.

Ông Võ Hùng Dũng cũng đề xuất chiến lược chung “đa dạng cơ cấu thị trường, giảm mức độ phụ thuộc vào 1 – 2 thị trường lớn nhưng cũng tránh khuynh hướng phân tán, dàn trải quá mức”. Như hiện nay, cá tra xuất khẩu đến 151 thị trường, sẽ rất khó cho việc hiểu biết quy định của các thị trường mà lại tăng đối thủ cạnh tranh. Trong khi đó điểm yếu của xuất khẩu cá tra hiện nay là “kém hiểu biết về khách hàng nên thất bại trong việc mở rộng kênh phân phối tiếp cận người tiêu dùng”.

Ông Dũng đề xuất duy trì thị phần, với ba thị trường lớn EU, Mỹ, Trung Quốc chiếm 45 – 50%. Ba khu vực thị trường tiếp theo là ASEAN, Nam Mỹ và Ả Rập Saudi 25 – 30%. Các thị trường còn lại 25 – 30% tổng xuất khẩu.

Trưởng phòng Chế biến Bảo quản Thủy sản của Cục Chế biến, Thương mại nông, lâm, thủy sản và Nghề muối, ông Ngô Quang Tú nhấn mạnh đến thị trường trong nước “hầu như còn bỏ ngỏ”. Theo ông, thị trường trong nước với hơn 90 triệu người có tiềm năng rất lớn nhưng hiện chỉ tiêu thụ khoảng 10.000 tấn/năm là còn quá nhỏ. Nguyên nhân là hệ thống phân phối không tốt. Ông Tú lấy ví dụ sản phẩm cá tra bán tại Hà Nội khoảng 4 USD/kg, quá cao so với xuất khẩu nên “không cạnh tranh được với các loại thủy sản khác”.

 

Chính sách phát triển

Theo các nhà quản lý, khoa học và doanh nghiệp, khi xác định chiến lược thị trường sẽ tiến hành nghiên cứu thị trường, định vị sản phẩm, xây dựng thương hiệu. Cùng đó, hợp tác xây dựng các khu vực: quảng bá, trưng bày; vận chuyển, logistics; chế biến trình diễn sản phẩm mới.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Phạm Anh Tuấn đề xuất xây dựng “quỹ phát triển thị trường”. Ông Võ Minh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cũng ủng hộ “quỹ phát triển thị trường”. Ông Tuấn nói: “Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) có thể nghiên cứu, đề xuất Bộ NN&PTNT cho phép lập quỹ với nguồn đóng góp từ các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, dành cho chi phí quảng bá, tiếp thị, xúc tiến thương mại”.

Phó Tổng thư ký VASEP Tô Tường Lan cũng đánh giá, ngành cá tra khó khăn như hiện nay có nguyên nhân “thiếu chiến lược truyền thông và tích cực”. Nên bà đề xuất “chiến lược marketing hướng đến người tiêu dùng: chiến lược truyền thông hiệu quả và tích cực”. Tất cả nhằm “xây dựng thương hiệu cá tra Việt Nam”. Thương hiệu theo bà là phải trên cơ sở “chuẩn hóa chuỗi sản xuất từ khâu con giống đến thành phẩm cuối cùng, bảo đảm yếu tố sản xuất có trách nhiệm bền vững, an toàn thực phẩm, chất lượng”. Phó Tổng cục trưởng Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh thêm: “Xây dựng thương hiệu một sản phẩm quốc gia, chất lượng cao”.

Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập sâu vào kinh tế thế giới với việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do, cá tra cũng như thủy sản nói chung cần được truy xuất nguồn gốc. Toàn ngành cá tra cần hoàn thiện cơ sở dữ liệu, truy xuất nguồn gốc, minh bạch thông tin và tăng cường cung cấp thông tin thị trường. Về truy xuất nguồn gốc, các thị trường chất lượng cao không còn lưu trữ bằng giấy tờ sổ sách, dễ bị gian lận, mà đã truy xuất nguồn gốc điện tử. Đó là, thông tin được số hóa lưu trữ trên hệ thống mạng máy tính, mã số truy xuất nguồn gốc cho từng lô hàng, theo tiêu chuẩn quốc tế và duy nhất trên toàn cầu.

>> Kim ngạch xuất khẩu cá tra 6 tháng đầu năm nay so cùng kỳ năm ngoái vào EU giảm 17,6%, Mexico 25,9%, Colombia 13,2%, ASEAN 4,1%, Australia 15,1%, các thị trường khác 19,9%; nhưng tăng ở Mỹ 4,8%, Canada 2,9% và ấn tượng nhất là Trung Quốc, Hồng Kông (50,7%). Tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2015 giảm 9% so cùng kỳ năm 2014.

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *