Cần chiến lược dài cho con tôm
Xuất khẩu tôm không đạt kỳ vọng khi chỉ về đích với con số 3,58 tỷ USD, giảm 7,1%
Hoán đổi vị trí
Trong số các doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn cả nước, đứng đầu vẫn là Minh Phú (Minh Phú Seafood và Minh Phú Hậu Giang), kế đến là Công ty CP Thủy sản Sóc Trăng (Stapimex), Công ty CP Thủy sản Sao Ta (Fimex) và Công ty TNHH Kinh doanh Chế biến và XNK Thủy sản Quốc Việt. Trong top 5 doanh nghiệp tôm đứng đầu chỉ có Minh Phú Seafood, Minh Phú Hậu Giang và Fimex là tăng, còn Stapimex và Quốc Việt được ghi nhận có sự sụt giảm; trong đó, Quốc Việt sụt giảm khá mạnh, được xem là bất ngờ lớn đối với doanh nghiệp ngành tôm.
Theo lãnh đạo một doanh nghiệp, sự tăng hay giảm này phụ thuộc vào bản thân của mỗi doanh nghiệp; doanh nghiệp nào có chiến lược kinh doanh dài hơi và phù hợp hơn sẽ duy trì được sự ổn định (và phát triển) dài lâu. Mặt khác, trong kinh doanh cũng không loại trừ yếu tố may, rủi; sự thiếu sót về chất lượng sản phẩm… cũng khiến tốc độ phát triển của doanh nghiệp đó bị chững lại, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp khác vượt lên.
Đơn cử như trường hợp của Stapimex, sau 5 năm (2012 – 2016) gia tăng tốc độ bán hàng vào Mỹ đã vượt lên chiếm giữ vị trí thứ hai từ Quốc Việt. Sự tăng tốc mạnh suốt 5 năm liền đã tạo cho Stapimex có một nguồn lực khá đủ để tính toán lại chiến lược dài hơi hơn cho mình nhằm tránh những rủi ro lớn có thể phát sinh trong thời gian tới nên họ chủ động giảm lượng xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Trường hợp của Quốc Việt, theo lý giải, sự sụt giảm doanh số trong 10 tháng đầu năm chủ yếu là do gặp khó về thị trường, khách hàng, hay nói cách khác chủ yếu là “không may”. Quốc Việt vốn mạnh về thị trường Australia, nhưng thời gian qua, do thị trường này có sự thay đổi bất ngờ về quy định kiểm tra hàng hóa trước khi thông quan khiến hàng hóa của Quốc Việt đi thị trường này bị hạn chế.
Cần một chiến lược
Sự sụt giảm của Quốc Việt tuy có yếu tố may rủi thị trường, nhưng cũng đáng để các doanh nghiệp ngành tôm suy ngẫm, rút kinh nghiệm, đặc biệt là vấn đề chiều sâu của chiến lược thị trường và chất lượng. Hay nói cách khác, để hạn chế rủi ro thị trường, doanh nghiệp cần có sự cân bằng cùng lúc nhiều thị trường lớn nhỏ khác nhau theo một tỷ lệ hợp lý và nên lấy sự an toàn thực phẩm phù hợp quy chuẩn nơi nhập khẩu làm hàng đầu.
Trái ngược với sự sụt giảm của Quốc Việt, Minh Phú vẫn có sự tăng trưởng ấn tượng. Sau khi thoát khỏi vụ kiện chống bán phá giá tôm vào Mỹ, Minh Phú đã tạo ưu thế vượt trội ở thị trường này, trong khi các doanh nghiệp còn lại chịu thuế 4,58% và còn nguy cơ rủi ro trong mỗi đợt xem xét hành chính tiếp theo. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, chỉ cần bán bằng giá với các doanh nghiệp khác ở thị trường Mỹ, Minh Phú cũng đã có mức lãi cao hơn gần 5%.
Đây cũng chính là lý do vì sao doanh số của Minh Phú chiếm khoảng 50% doanh số tôm Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ. Không chỉ có lợi thế về thuế suất, Minh Phú còn có chiến lược giảm giá thành thông qua giảm chi phí phần cứng trong giá thành, bằng cách nâng sản lượng chế biến tối đa. Hiện sản lượng mỗi nhà máy của Minh Phú gần gấp đôi hai doanh nghiệp tôm đứng sau là Stapimex và Fimex; các dự báo đều cho rằng, Minh Phú sẽ còn tiếp tục dẫn đầu ngành tôm cả nước và trong thời gian ngắn, các doanh nghiệp còn lại rất khó để rút ngắn khoảng cách này.
Không có được lợi thế về thuế suất như Minh Phú và cũng không có tốc độ phát triển bức phá như một số doanh nghiệp khác, nhưng Fimex lại có lợi thế riêng khi giữ được tốc độ tăng trưởng khá ổn định trong suốt hơn 20 năm qua. Tuy mức độ phát triển hàng năm không cao, nhưng bù lại, Fimex luôn bảo đảm có nền tảng vững chắc để phát triển lâu dài. Hiện nay, Fimex đang chuyển hướng thị trường khá tốt về EU, để đón đầu Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).
>> Các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đang đặt kỳ vọng lớn vào hiệp định song phương mà Việt Nam ký kết với EU (EVFTA). Nếu EVFTA được ký kết, thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ có thuế suất 0%, tạo lợi thế rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. |
Bình luận gần đây