Cải thiện để vượt đối thủ
So với đối thủ
Hiện Mỹ là thị trường nhập khẩu tôm thuộc hàng lớn nhất thế giới, do đó, những quốc gia đang nuôi tôm như Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ hay Bangladesh đều xem đây là thị trường cần xâm nhập. Trong kinh doanh người ta thường nói rằng “trăm người bán, vạn người mua” nhưng trong trường hợp này, có quá nhiều người bán và chỉ có một người mua. Vì thế, giữa người bán với nhau đều có một cuộc cạnh tranh ngầm sao cho bán càng được nhiều hàng càng tốt.
Năm 2015, theo VASEP, xuất khẩu tôm của Việt Nam qua 92 thị trường khác nhau, trong khi đó, năm 2014 là 150 thị trường. Như vậy, tôm của Việt Nam giảm hay nói đúng ra là không thể cạnh tranh được nên bị mất ở 58 thị trường, tương đương 39%. Đây là một con số đáng báo động.
Nguyên nhân được VASEP chỉ ra là do trong năm qua những quốc gia đối thủ với thủy sản Việt Nam đã “phá giá” mạnh đồng nội tệ của các nước này với đồng đô la Mỹ, còn Việt Nam chỉ ở mức 5%. Tức là giá bán của tôm Ấn Độ, Thái Lan… luôn thấp hơn.
Một lý do nữa để tôm Việt Nam không thể cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ khác là do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao hơn. Và để tăng vị thế cạnh tranh, doanh nghiệp buộc phải nhập khẩu để có đủ nguồn nguyên liệu. Ông Nguyễn Văn Kịch, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cafatex, Hậu Giang cho biết, khi so sánh giá tôm nguyên liệu trong nước với giá tôm nhập khẩu kèm theo những chí phí nhập khẩu, tôm nhập khẩu vẫn có giá rẻ hơn nên đã có nhiều công ty nhập về chế biến.
Cafatex là một trong những công ty đầu tiên của Việt Nam nhập tôm từ Ấn Độ về chế biến – Ảnh: Ngọc Trinh
Thống kê của VASEP cho thấy, trong năm 2015, Việt Nam đã nhập khẩu tôm nguyên liệu từ 36 thị trường khác nhau, trong đó, chiếm tỷ lệ lớn nhất là từ Ấn Độ với 76%. Từ những con số nói trên, có thể thấy tôm Việt Nam không thể cạnh tranh với doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm tại Ấn Độ nếu Việt Nam vẫn còn nhập khẩu tôm nguyên liệu từ nước này.
Vậy, còn đối thủ Thái Lan thì như thế nào? Theo nhiều doanh nghiệp, Việt Nam và Thái Lan là hai nước có điều kiện tự nhiên khá tương đồng, sản phẩm nông nghiệp tương tự, và như vậy, sự cạnh tranh trên thị trường là không thể tránh khỏi.
Đâu là giải pháp
Những năm qua, Thái Lan là nước xuất khẩu tôm đứng đầu ASEAN. Tuy nhiên, một nguồn tin mới đây cho biết do dịch bệnh trên tôm bùng phát nên sản lượng tôm của Thái Lan giảm đi đáng kể.
Vì thế, từ vị trí đứng đầu ASEAN, Thái Lan đã nhường vị trí này cho Việt Nam và khiêm nhường ở vị trí số 4. Theo Bangkok Post, một tờ báo hàng đầu của Thái Lan, ngành sản xuất thủy sản của Thái Lan luôn tiềm ẩn những bất ổn về dịch bệnh. Và nếu một quốc gia nào đó không kiểm soát tốt khâu dịch bệnh, vị thế của quốc gia đó sẽ bị sụt giảm nghiêm trọng.
Tuy những gì đang diễn ra có thể có phần lợi thế cho con tôm Việt Nam nhưng đây chỉ là thắng lợi trong ngắn hạn, còn về dài hạn, ngành nuôi tôm nước ta vẫn còn những vấn đề nội tại mà không sớm giải quyết được sẽ không thể cạnh tranh với các đối thủ khác. Theo tính toán của người nuôi tôm, khoảng 70% chi phí trong nuôi tôm đến từ thức ăn. Tuy nhiên, hiện nay với tình hình giá thức ăn chăn nuôi không ổn định và có xu hướng tăng giá, sẽ tiếp tục đẩy chi phí nuôi tôm tăng theo thời gian.
Lúc này, sẽ có hai kịch bản, người nông dân sẽ tiếp tục nuôi tôm nếu vẫn thấy được giá dù chi phí đầu vào tăng. Kịch bản thứ hai là giảm diện tích nuôi vì chi phí tăng, lợi nhuận giảm thậm chí thua lỗ – đặc biệt trong bối cảnh thời tiết biến động bất thường hạn hán và xâm nhập mặn kéo dài như thời gian qua. Lúc đó, để đáp ứng đơn hàng đã ký, doanh nghiệp sẽ phải nhập khẩu tôm nguyên liệu từ Ấn Độ. Cái vòng luẩn quẩn lại xuất hiện.
Giải pháp giúp doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm có thể làm để tránh bài toán chi phí đầu vào tăng là việc tạo ra những sản phẩm giá trị gia tăng, thay vì chào bán những sản phẩm như tôm bỏ đầu đông lạnh xuất khẩu như lâu nay.
Vì thế, có thể nói, nếu ngành nuôi tôm Việt Nam không thể cải thiện những vấn đề của ngành đang đối diện như giá thức ăn chăn nuôi ngày một tăng; dịch bệnh bùng phát ngày một nhiều; chi phí thú y cao… thì không thể cạnh tranh được với các đối thủ đến từ Ấn Độ, Thái Lan. Biết điểm yếu là một chuyện, khắc phục điểm yếu là một chuyện không phải dễ dàng trong bối cảnh hiện nay của con tôm Việt Nam.
Ông Ngô Thanh Lĩnh, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Cà Mau: Khó tìm kiếm thị trường mới Xuất khẩu trong quý I đã có sự tăng trưởng nhưng nhìn chung doanh nghiệp và người nuôi tôm vẫn gặp nhiều khó khăn như thiếu nguồn nguyên liệu, dịch bệnh… Tuy vậy, doanh nghiệp vẫn luôn sẵn sàng chuẩn bị các điều kiện cho việc tìm kiếm thị trường mới. Cùng với đó, việc đảm bảo chất lượng hàng, tìm hiểu đặc điểm thị trường nước bạn, chính sách liên quan… là những vấn đề cần đặt lên hàng đầu cho việc thu hút được những thị trường mới.
Ông Nguyễn Phi Thắng, Chủ nhiệm HTX Nuôi trồng Thủy sản Diêm Hải (Hà Tĩnh): Duy trì chất lượng sản phẩm Duy trì chất lượng sản phẩm và đảm bảo môi trường nuôi là người nuôi đã góp phần gián tiếp vào việc duy trì ổn định thị trường xuất khẩu tôm Việt Nam. Bởi, trong tình hình nuôi tôm đang gặp nhiều khó khăn về dịch bệnh, môi trường, hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài và tình trạng lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản. Do đó, để tạo ra con tôm có chất lượng đảm bảo, người nuôi cần có sự tuân thủ quy định về quy trình, kỹ thuật nuôi, xử lý khi tôm bị bệnh… Đồng thời, Doanh nghiệp, cơ sở thu mua tôm cũng nên thực hiện nghiêm ngặt việc duy trì chất lượng sản phẩm có như vậy mới giữ gìn được hình ảnh tôm Việt Nam. Tuấn Khang (ghi) |
Bình luận gần đây