Cá tra Việt quay lại Mỹ

Doanh nghiệp cá tra sẽ có cơ hội tại thị trường Mỹ   Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Doanh nghiệp cá tra sẽ có cơ hội tại thị trường Mỹ Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Nỗ lực của Việt Nam

Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) cho biết, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với FSIS thực hiện nhiều công việc đạt kết quả tốt. Về xử lý các lô hàng bị cảnh báo: FSIS đã dỡ bỏ cảnh báo đối với 8/10 doanh nghiệp (14 lô hàng), 1 cơ sở đang được FSIS xem xét và 1 cơ sở đã chuyển chủ sở hữu, ngừng hoạt động.

Ngày 15/8/2017, Bộ NN&PTNT ban hành Quyết định số 3379/BNN-QLCL về Chương trình kiểm soát an toàn thực phẩm đối với cá tra xuất sang Mỹ từ ngày 1/9/2017, nhằm chuẩn bị cho quá trình đánh giá tương đương của FSIS. Sau đó, Chương trình kiểm soát được nhanh chóng triển khai thực hiện.

Từ ngày 1/9/2017, tổ chức kiểm tra 28 lượt cơ sở, 28 lượt xếp hạng, các sai lỗi thường gặp đã được chỉ ra để khắc phục. Trong đó, có những chỉ tiêu rất mới phải thực hiện nghiêm túc như quy trình làm vệ sinh phương tiện vận chuyển, giám sát trong quá trình vận chuyển. Kết quả, trong danh sách 62 cơ sở đủ điều kiện xuất khẩu cá tra vào Mỹ, có 13 cơ sở xin rút khỏi danh sách và 1 doanh nghiệp đăng ký bổ sung.

Việc giám sát thực hiện tận từng ca sản xuất trong các cơ sở. Trung tâm vùng 4 và 6 đã giám sát 1.644 lượt ca sản xuất của 14 cơ sở (thực tế từ ngày 1/9/2017 đến nay, chỉ có 14 cơ sở đang chế biến xuất khẩu cá tra sang Mỹ). Từ ngày 1/9/2017 đến hết tháng 2/2018, Trung tâm các vùng kiểm tra cấp 1.981 chứng thư cho các lô hàng cá tra xuất khẩu sang Mỹ. Cũng từ 1/9/2017 đến nay, chưa có lô hàng cá tra xuất khẩu sang Mỹ bị cảnh báo mất an toàn thực phẩm.

Trong thời gian qua, hồ sơ của nước ta được hoàn thiện để gửi cho Mỹ. Ngày 28/2/2018, FSIS hoàn tất xem xét, khẳng định Hệ thống kiểm soát của Việt Nam thể hiện trong hồ sơ tương đương hệ thống đang áp dụng tại Mỹ. Tiếp đó, FSIS phối hợp với NAFIQAD tổ chức thanh tra thực tế tại Việt Nam. Theo đó, Việt Nam cùng với Trung Quốc và Thái Lan là ba bước đủ điều kiện tiếp tục xuất khẩu cá da trơn sang thị trường Mỹ từ ngày 1/3/2018.

Nảy sinh nhiều khó khăn

Quá trình kiểm soát vừa qua, NAFIQAD cho thấy, phát hiện một số khó khăn, vướng mắc và đang nỗ lực cùng các cơ sở, địa phương chấn chỉnh.

Tại công đoạn nuôi: Quy định về kiểm tra chứng nhận theo Thông tư số 45 (tại điểm 2 mục II của Chương trình kiểm soát cá da trơn): “Cơ sở nuôi Cá da trơn … được kiểm tra, chứng nhận và giám sát điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định tại Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT ngày 3/12/2014”. Còn hướng dẫn của FSIS (tháng 3/2017), dẫn chiếu 9CFR320.5: Tất cả các cơ sở tham gia vào chuỗi sản xuất, chế biến đều phải đăng ký với FSIS và phải chịu sự kiểm tra, giám sát của FSIS.

Thực tế tại Việt Nam: Nhiều cơ sở nuôi, kể cả nuôi cá tra quy mô tương đối lớn vẫn chưa được kiểm tra chứng nhận theo Thông tư 45 do không đăng ký kinh doanh nên không thuộc đối tượng của Thông tư 45.

Tại công đoạn chế biến: Việc rà soát, điều chỉnh chương trình quản lý chất lượng còn chậm, chưa hoàn toàn đáp ứng yêu cầu của chương trình. Trong đó, việc điều tra nguyên nhân lô hàng bị cảnh báo còn chậm, chất lượng không cao.

NAFIQAD cho biết, nguyên nhân dẫn đến lô hàng bị cảnh báo đã mở rộng hơn so với trước đây. Đó là nhiễm hóa chất, kháng sinh trong quá trình ương giống, trong quá trình vận chuyển và cả trong hành vi đôi lúc chưa được chú trọng đúng mức là từ mực bút viết bảng trong quá trình bao gói.

Quy định ca sản xuất không quá 8 giờ, NAFIQAD qua khảo sát nhận thấy “một số doanh nghiệp chưa đáp ứng”.

>> Theo VASEP, đến nửa đầu tháng 2/2018, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ đạt 39,2 triệu USD, tăng 50,9% so cùng kỳ năm 2017 và chiếm 16,5% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra.

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *