Cá tra và kỳ vọng đổi vận
Trầm lắng
Tình hình hoạt động sản xuất và tiêu thụ cá tra ở ĐBSCL ghi nhận trong gần 6 tháng đầu năm 2014 vẫn trầm lắng, tính đến tháng 8/2014 toàn vùng thả nuôi hơn 2.000 ha, giảm 19% so cùng kỳ; trong đó, thu hoạch 1.500 ha, giảm 13% và sản lượng thu hoạch đạt 335.023 tấn, giảm 19,7% so cùng kỳ. Giá bán cá tra nguyên liệu có chuyển biến: Tháng 1/2014 dao động mức 21.000 – 23.000 đồng/kg, nhưng từ tháng 2 giá cá tra tăng lên và đạt đỉnh vào tháng 4/2014 mức 27.000 đồng/kg. Người nuôi bắt đầu có lãi. Tuy vậy trong 2 tháng vừa qua, thị trường xuất khẩu chưa tăng nên nhu cầu thu mua cá của các doanh nghiệp giảm thấp, giá cá tra loại 0,8 – 0,85 kg/con vẫn ở mức 22.000 – 23.000 đồng/kg.
Theo VASEP, đến cuối tháng 8/2014, cá tra xuất khẩu đạt giá trị gần 600 triệu USD, tăng 2,1% so cùng kỳ năm 2013. Mặc dù xuất khẩu sang 2 thị trường chính là EU và Mỹ giảm nhưng các thị trường khác phát triển ổn định như: Brazil tăng 36%, các nước ASEAN tăng 11,3%, Mexico tăng 13,3%…
Trong tình hình giá chưa tăng lên, hoạt động sản xuất và tiêu thụ cá tra trong nước đang chịu tác động giá vật tư đầu vào tăng và một số doanh nghiệp cạnh tranh thiếu lành mạnh. Vì vậy, hiện vẫn còn tình trạng một số đơn vị bán phá giá bằng cách hạ giá bán nên gây ra tình trạng lo ngại của một số nhà nhập khẩu lớn. Họ chuyển sang mua nhỏ giọt để ép giá. Bên cạnh đó, việc ký hợp đồng và người nuôi cá lỏng lẻo; hiện tượng thu mua ép giá, mua nợ chiếm dụng vốn vẫn còn khá phổ biến.
Thực hiện quy hoạch, việc sản xuất tiêu thụ cá tra sẽ thuận lợi
Hy vọng
Hiện, trong vùng ĐBSCL có 94 nhà máy chế biến cá tra, tổng công suất gần 1 triệu tấn/năm, dư thừa khả năng chế biến sản lượng cá tra nguyên liệu theo quy hoạch sản xuất từ nay đến năm 2020. Do đó, các tỉnh thành phố trong vùng sẽ không xây dựng mới và chỉ khuyến khích đầu tư nâng cấp nâng cao năng lực chế biến, tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Theo đó, trong 2 năm 2014 – 2015, các tỉnh đổi mới dây chuyền sản xuất tại các nhà máy hiện có nhằm nâng cao chất lượng thành phẩm, giảm giá thành sản xuất.
Từ năm 2016 đến 2020, các tỉnh tập trung đầu tư lắp mới dây chuyền sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao, công suất 45.000 tấn/năm. Công nghệ mới được đưa vào sản xuất phụ phẩm cá tra để tạo ra sản phẩm thực phẩm và phi thực phẩm đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong và ngoài nước như: cá tra đóng gói nhỏ để nấu hay ăn liền, bào chế dược phẩm, mỹ phẩm.
Ông Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc HTX Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ cho rằng: Những năm qua khi nuôi cá tra, lãnh đạo ở các địa phương đều thấy màu hồng mà không thấy màu đen. Mong mỏi của người nuôi cá tra đang cần lúc này là chính sách hỗ trợ phải sát thực, vốn vay ưu đãi, thông thoáng, nếu ”bơm” vốn là phải ”bơm” thật sự. Để cá tra giảm thiểu rủi ro, ”sống bền” được, theo ông chỉ còn cách duy nhất là giữ ổn định diện tích thả nuôi, chính quyền mỗi tỉnh cần khảo sát và nắm nhu cầu sản xuất, chế biến của các doanh nghiệp để đưa ra kế hoạch sản xuất cụ thể theo đề án quy hoạch vùng nuôi.
Ông Thái An Lai, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Đồng Tháp, nhận xét: Để vai trò nông dân tham gia được đảm bảo, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho các hộ nuôi nhỏ lẻ liên kết thành nhóm sản xuất lớn như tổ hợp tác, HTX, nhằm giúp cho người nuôi được tiếp cận vốn vay ngân hàng,mua vật tư đầu vào với giá rẻ, thực hiện các tiêu chuẩn sản xuất an toàn vàđủ lực tạo ra nguồn cá nguyên liệu lớn cung ứng cho doanh nghiệp. Mô hình này có thể giúp cho hộ nuôi cá tra riêng lẻ có thể tiếp tục trụ lại với nghề.
>> Theo quy hoạch đến năm 2020, diện tích mặt nước nuôi cá tra toàn vùng ĐBSCL ạt 7.600 – 7.800 ha, sản lượng 1,8 – 1,9 triệu tấn; tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu có giá trị gia tăng cao đạt 15 – 20%; kim ngạch xuất khẩu đạt 2,6 – 3 tỷ USD. |
Bình luận gần đây