Cá tra “đắt hàng” tại Boston
Cá tra Việt Nam được nhiều thị trường ưa chuộng Ảnh: CTV
Đắt show, đắt giá
Boston 2017 diễn ra từ ngày 19 – 21/3/2017 tại TP Boston, bang Massachusetts, Mỹ. Đây là một trong những hội chợ triển lãm quốc tế thủy sản lớn nhất Bắc Mỹ, thu hút sự tham gia của khoảng 1.200 doanh nghiệp với 4.178 gian hàng, đến từ trên 40 quốc gia trên thế giới. Dường như nơi đây hội tụ những loài hải sản tinh túy nhất khắp các đại dương, lục địa để so tài, quảng bá chứ không chỉ là để bán hàng. Các nước châu Á như Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc… cũng biết cách tạo nét riêng cho sản phẩm tôm sú, cá tra, rô phi.
Riêng với cá tra Việt Nam, hàng năm các nhà nhập khẩu thường đợi đến cuối kỳ Hội chợ mới quyết định giao dịch để mua được giá thấp vì họ hiểu thời điểm này nhiều doanh nghiệp Việt Nam thường đua nhau hạ giá để dành khách hàng. Tuy nhiên, năm nay mọi chuyện đã thay đổi. Ngay từ ngày đầu khai mạc Boston 2017, các nhà nhập khẩu Mỹ do lo ngại tới tháng 9/2017, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) sẽ áp dụng Luật nông trại (Farm Bill) với cá tra Việt Nam; cộng với lượng hàng tồn kho không còn nhiều nên đã tăng sản lượng mua vào trước, đẩy giá giao dịch ngay trong những ngày diễn ra Hội chợ tăng 10% so tháng 2/2017, điều rất ít xảy ra ở các lần Hội chợ trước.
Đại diện Tập đoàn Thủy sản Piazza, TP. New Orleans, bang Louisiana, Mỹ nhận định, nếu Farm Bill áp dụng trong tháng 9 thì khả năng thị trường Mỹ sẽ thiếu hụt cá tra bởi doanh nghiệp Việt Nam phải có thời gian đáp ứng các yêu cầu mà Mỹ đưa ra. Do đó, không phải riêng Tập đoàn Piazza mà nhiều tập đoàn thủy sản khác ở Mỹ đã đẩy mạnh việc ký hợp đồng mua cá tra với mong muốn ký trong thời gian 6 tháng, giao hàng trước tháng 9 nhưng doanh nghiệp Việt Nam vì lo ngại hụt nguyên liệu nên chỉ ký tối đa 3 tháng.
Trở ngại và cơ hội
Theo nhiều chuyên gia, xuất khẩu cá tra Việt Nam trong năm 2017 sẽ phải đối diện với hai thách thức lớn. Thứ nhất là Farm Bill của Mỹ, chính thức áp dụng quy định kiểm soát nghiêm ngặt theo từng công đoạn (từ con giống, thức ăn, dư lượng kháng sinh, chất tồn dư thuốc thú y đến vận chuyển, nhà máy…) bắt đầu từ tháng 9/2017, dưới sự kiểm tra của Cơ quan Kiểm tra và An toàn Thực phẩm Mỹ (FSIS), thuộc USDA, gây gián đoạn thương mại; ảnh hưởng tới đời sống, việc làm của hàng triệu nông dân, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu Việt Nam, doanh nghiệp nhập khẩu và người tiêu dùng Mỹ; đồng thời có thể làm ảnh hưởng tới quan hệ thương mại nông sản hai chiều giữa hai nước. Khó khăn thứ hai là tình trạng thiếu nguồn nguyên liệu trầm trọng. Một số dự báo cho thấy, nguồn cung cá tra Việt Nam trong năm 2017 sẽ thiếu hụt trên 40% so nhu cầu nhập khẩu. Tình trạng này sẽ còn kéo dài đến quý I/2018 do nguồn cá giống bị ảnh hưởng từ những cơn mưa đầu năm 2017 và xảy ra cho đến tận những ngày giữa tháng 3 vừa qua.
Song nhiều ý kiến lại cho rằng, Farm Bill là động lực giúp cá tra Việt Nam thực sự tái cấu trúc ngành. Thêm một tín hiệu tích cực khác, trong cuộc thảo luận gần đây giữa Bộ NN&PTNT với USDA, USDA đã đồng ý tài trợ khoảng 700.000 USD hỗ trợ Việt Nam để đáp ứng các tiêu chuẩn tương đương và cam kết không làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Mỹ.
Với vấn đề thiếu nguyên liệu cũng vậy, chắc chắn nhiều nhà máy chế biến xuất khẩu cá tra Việt Nam sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu cho hoạt động sản xuất, nhưng đây cũng là cơ hội để đẩy giá cá tra xuất khẩu tiếp tục tăng; từ đó kéo giá cá tra nguyên liệu ở thị trường trong nước tăng lên. Tuy nhiên, người nuôi vẫn cần hết sức thận trọng, tránh tình trạng “chạy theo giá” thả nuôi ồ ạt, đến lúc lại “bán tống bán tháo”.
>> Đại diện một doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra hàng đầu Việt Nam cho biết, thực tế sau Boston 2017, không riêng gì thị trường Mỹ và Nam Mỹ, Trung Quốc cũng đang có nhu cầu nhập khẩu cá tra rất lớn, nhất là cá tra xẻ bướm. Bất ngờ hơn giá bán cá tra xẻ bướm vào thị trường Trung Quốc đã vượt Mỹ ít nhất 10%. |
Bình luận gần đây