Cá tra chưa hết khó
Giá giảm
Ông Nguyễn Văn Hoàng Anh, nông dân nuôi cá tra ở xã Tân Phong, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) cho biết, hiện nay doanh nghiệp chỉ thu mua cá tra nguyên liệu size 800 g/con và size 1,5 – 1,6 kg/con, còn những ao cá không nằm trong hai cỡ cá này thì doanh nghiệp không mua. Cụ thể, cá tra nguyên liệu loại 800 g/con có giá 19.700 đồng/kg; còn loại 1,5 – 1,6 kg/con chỉ có giá 18.500 đồng/kg, giảm mạnh so mức giá 23.500 – 24.500 đồng/kg hồi đầu năm.
“Mấy tháng nay, ai cũng hy vọng giá cá tra cuối năm sẽ tăng trở lại như mọi năm nhờ nhu cầu xuất khẩu tăng nên cho ăn cầm chừng kéo dài thời gian nuôi chờ giá. Tuy nhiên, đến nay thì giá cá không những không tăng mà còn nằm ở mức thấp nhất từ đầu năm đến nay nên bắt buộc phải bán cá dù chịu lỗ nặng. Đa số các ao nuôi cá tra sắp thu hoạch hiện nay đều kéo dài trên 1 năm thay vì chỉ 6 – 8 tháng như trước đây. “Điều khó khăn khác hiện nay là chỉ các hộ nuôi có cá đạt cỡ và có “mối quen” thì mới bán cá được, còn bình thường thì cũng khó bán cá”, ông Hoàng Anh thông tin thêm.
Theo nhiều nông dân nuôi cá tra ở huyện Cai Lậy, đối với những nông dân nuôi cá tra có vốn có thể mua thức ăn, con giống, thuốc thú y thủy sản trực tiếp từ các nhà máy sản xuất; cộng với quản lý chặt chẽ, kỹ thuật nuôi tốt thì giá thành nuôi cá tra chỉ khoảng 20.000 – 21.000 đồng/kg do được chiết khấu lại như đối với đại lý; còn đối với những hộ nuôi cá tra nhỏ lẻ, mua thức ăn nợ đại lý, trả tiền chậm thì giá thành nuôi cá có thể lên tới hơn 23.000 đồng/kg. Hơn nữa, đối với cá tra nguyên liệu loại 1,5 – 1,6 kg/con thì giá thành nuôi cá còn cao hơn do thời gian nuôi kéo dài hơn, tốc độ lớn của cá trên 1 kg/con cũng chậm lại. Do đó, với giá cá tra trên thị trường hiện nay thì nông dân nuôi cá có thể lỗ lên đến 1,3 tỷ đồng/ha (năng suất 300 tấn/ha).
Cá tra rớt giá, người nuôi thua lỗ – Ảnh: Huy Hùng
Chính vì tình trạng thua lỗ hiện nay mà một số hộ nuôi cá tra nhỏ lẻ đã bỏ ao hay tính chuyện ngừng nuôi sau khi thu hoạch cá. Chẳng hạn như ông Trần Thanh Hồng Hải với 3.000 m2 ở xã Tân Phong, huyện Cai Lậy đã bỏ ao nuôi cá tra lên TP Hồ Chí Minh mở quán ăn sau khi thu hoạch khoảng 100 tấn cá tra với giá bán chỉ 20.000 đồng/kg hồi tháng 6 vừa qua. Còn ông Đoàn Văn Thanh, có ao nuôi cá tra cùng ở xã Tân Phong cũng đang tạm ngừng thả nuôi chờ khi diễn biến giá cá tra tốt hơn mới tính đến chuyện thả giống cho vụ cá mới.
Theo Bộ NN&PTNT, diện tích nuôi cá tra có xu hướng giảm dần do nhiều người nuôi nhỏ lẻ thua lỗ, giá cá tra nguyên liệu tiếp tục giảm xuống dưới 20.000 đồng/kg. Nhiều hộ nuôi đã chuyển hướng liên kết với các doanh nghiệp hoặc nuôi gia công cho doanh nghiệp thay vì tự đầu tư nuôi. Nhờ liên kết nuôi cá tra theo chuỗi nên sản lượng cá tra 10 tháng đầu năm nay của các tỉnh vùng ĐBSCL vẫn giữ vững, ước đạt 946 nghìn tấn, tăng 6% so cùng kỳ, trong đó Đồng Tháp hiện có khoảng 80% hộ nuôi cá tra tham gia chuỗi liên kết, đạt 245.255 tấn (tăng 3,5%).
Xuất khẩu chưa khả quan
Hiệp hội Cá tra Việt Nam tỏ ra lo lắng về tình hình cá tra xuất khẩu liên tục giảm ở các thị trường chất lượng cao, tăng ở thị trường chất lượng thấp. Thị trường Mỹ, EU đòi hỏi sản phẩm chất lượng cao, còn thị trường Trung Quốc và Hồng Kông, cả ASEAN đều yêu cầu chất lượng thấp hơn. Cũng vì thế, sản lượng cá tra xuất sang Trung Quốc và Hồng Kông đã đứng đầu nửa năm nay nhưng kim ngạch vẫn sau Mỹ, EU.
Số liệu của hải quan, đến hết tháng 9, kim ngạch cá tra xuất vào EU đứng đầu với 19,4% tổng kim ngạch, Mỹ đứng hai với 18,5%, tiếp theo là Trung Quốc và Hồng Kông đứng thứ ba với 11,1%. Có thể thấy sự chênh lệch giá giữa thị trường Trung Quốc và Hồng Kông so với thị trường EU, Mỹ là khá lớn, khi sản lượng gấp gần 1,5 lần mà kim ngạch chỉ già một nửa. Mặt khác, đến 30/9, sản phẩm cá tra xuất đi 131 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch hơn 1,15 tỷ USD, giảm 9,3% so cùng kỳ năm 2014. Hai thị trường chất lượng cao là EU và Mỹ giảm liên tục từ đầu năm, đến cuối tháng 9, EU giảm 16,1%, Mỹ giảm 3,2%. Nhưng tăng mạnh ở thị trường Trung Quốc và Hồng Kông, tới 49,1%.
>> Theo các chuyên gia thủy sản: Ngành cá tra tổ chức lại sản xuất theo hướng chuỗi giá trị là cách thức gắn kết chặt chẽ và đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các khâu nuôi, chế biến và xuất khẩu. Trong đó, các địa phương chú trọng mô hình quản lý cộng đồng như hợp tác xã, nhóm, hiệp hội nuôi cá. Đồng thời, phát huy vai trò của các hội, hiệp hội trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên để đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp đầu tư và tiêu thụ cho ngành cá tra. |
Bình luận gần đây