Cá ngừ Việt Nam: Một “thế mạnh” không còn mạnh

Những con số buồn

Theo VASEP, 11 tháng đầu năm 2013, giá trị xuất khẩu cả ngừ Việt Nam đạt 489 triệu USD, giảm 7,5% so cùng kỳ năm ngoái. Nên nhiều khả năng, xuất khẩu cá ngừ Việt Nam cả năm khó có thể cán đích 600 triệu USD. Bên cạnh đó, xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sang 8 thị trường nhập khẩu chính là Mỹ, EU, Nhật Bản, ASEAN, Israel, Tunisia, Canada và Mexico (chiếm gần 86% tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ Việt Nam) đều sụt giảm. Trong đó, thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam là Mỹ 11 tháng đầu năm 2013 giảm tới 23,5% khi chỉ đạt hơn 177 triệu USD; EU có khả quan hơn với số lượng thị trường tăng lên 26 nước, tăng thêm 4 thị trường so năm ngoái, đạt 126 triệu USD, tăng 24,8%.

Cũng giống Mỹ, xuất khẩu cá ngừ sang Nhật Bản – thị trường lớn thứ 3 của Việt Nam cũng sụt giảm liên tục. 11 tháng đầu năm 2013, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này chỉ đạt hơn 40 triệu USD, giảm 20% so cùng kỳ năm 2012. Sự sa sút của nền kinh tế Nhật Bản, sự giảm giá của đồng yên trong năm nay cộng với việc nước này thắt chặt các biện pháp quản lý an toàn thực phẩm đã khiến các nhà cung cấp cá ngừ xuất khẩu sang đây gặp nhiều khó khăn.

Nhiều chuyên gia cho rằng, tổng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ Việt Nam năm 2013 giảm là do ngành khai thác cá ngừ Việt Nam chạy theo số lượng, hơn là quan tâm về chất lượng. Từ khi xuất hiện hình thức khai thác mới là câu đèn, sản lượng đánh bắt cá ngừ tăng mạnh, nhưng chất lượng sau thu hoạch lại giảm. Cá ngừ không đủ phẩm cấp để xuất khẩu dưới dạng các sản phẩm có giá trị cao như tươi/sống/đông lạnh, mà chỉ xuất được một số dưới dạng thăn cá ngừ nguyên liệu dành cho đóng hộp và chế biến.    

   

11 tháng, xuất khẩu cá ngừ đạt 489 triệu USD – Ảnh: Lê Xuân Chiến

Ông Vũ Đình Đáp, Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam chia sẻ: “Với kiểu đánh bắt bằng đèn cao áp, sản lượng tăng cao, cá ngừ bắt lên nhìn rất tươi ngon; nhưng chỉ sau vài giờ, chất lượng đã giảm rõ rệt, ảnh hưởng đến giá xuất khẩu. Đây là một trong những nguyên nhân khiến giá trị xuất khẩu cá ngừ Việt Nam năm 2013 sụt giảm”.

Theo Phó Chủ tịch VASEP, Nguyễn Hữu Dũng, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm khai thác bền vững tại các thị trường lớn như: Mỹ, EU ngày càng tăng. Trong khi đó, việc đạt chứng nhận này lại không hề đơn giản, bởi việc ghi chép nhật ký, thủ tục cho mỗi chuyến biển nhằm truy xuất nguồn gốc sản phẩm là rất mới đối với ngư dân.

 

2014, vẫn chưa hết khó

Không chỉ gặp nhiều khó khăn nội tại đã được dự báo, trong năm mới này, cá ngừ Việt Nam sẽ phải đương đầu mạnh hơn với nhiều “đối thủ”, đặc biệt các nước như: Ecuador, Philippines và Thái Lan đang tích cực có những động thái thỏa thuận với các nước Mỹ, EU để được ưu đãi về mặt thuế quan.

Mới đây, Nghị viện châu Âu vừa thông qua quyết định cho phép cá ngừ của Ecuador xuất khẩu sang EU tiếp tục được hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập bổ sung (GSP+) đến hết năm 2014. Thái Lan cũng có các cuộc đàm phán với EU để đạt được mức thuế suất 12%, tuy nhiên hiện các sản phẩm cá ngừ của Thái Lan vẫn chịu mức thuế 24%. Ngoài Ecuador, 9 nước khác cũng được hưởng GSP+ này.

Trước đó, Hội đồng Bộ trưởng châu Âu đã thông qua đề xuất bắt buộc các nhà nhập khẩu thủy sản phải ghi rõ ngư cụ khai thác được sử dụng với từng loài thủy sản và mô tả chi tiết về ngư trường khai thác loài thủy sản. Điều này sẽ tác động mạnh tới hoạt động xuất khẩu cá ngừ của các nước sang EU, trong đó có Việt Nam, làm thay đổi tình hình xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang EU trong năm 2014, khi mà ngành khai thác cá ngừ nước ta vẫn còn nhiều nỗ lực để nâng cao sản lượng và chất lượng nhằm đáp ứng các yêu cầu của thị trường.

>> VASEP nhận định, mặc dù kim ngạch xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sang thị trường EU thời gian qua có tăng, tuy nhiên với năng lực và thị phần hiện tại, trong thời gian tới, giá cá ngừ Việt Nam khó có thể cạnh tranh với các sản phẩm đến từ các nước như: Philippines, Ecuador và Mauritius.

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *