Cá ngừ đi châu Âu sẽ đạt 123 triệu USD

Sáng 10/10, tại Khu công nghiệp Suối Dầu, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị “Thúc đẩy sản xuất cá ngừ theo chuỗi, chống bán phá giá vào thị trường châu Âu nhằm tăng cường hoạt động chống khai thác bất hợp pháp trong ngành cá ngừ và thúc đẩy xuất khẩu cá ngừ sang thị trường châu Âu theo Hiệp định EVFTA” và lễ xuất khẩu cá ngừ đi châu Âu.

 

Kỳ vọng thị trường khó tính

Theo đó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cùng đại diện UBND tỉnh Khánh Hòa, Đại sứ quán Tây Ban Nha đã cắt băng xuất khẩu 48 tấn cá ngừ của Công ty TNHH Hải Vương (Khánh Hòa) đi Tây Ban Nha. Công ty TNHH Hải Vương là doanh nghiệp tiêu biểu trong việc xuất khẩu thủy sản với 9 tháng đầu năm 2020 đã đạt là 181 triệu USD, trong đó thị trường EU là 46,8 triệu USD. Đặc biệt, từ ngày 1/8/2020 khi EVFTA có hiệu lực thì giá trị xuất khẩu trong 2 tháng 8 và 9/2020 sang EU là 16 triệu USD, bình quân 8 triệu USD/tháng, tăng 1,5 lần so với bình quân của các tháng đầu năm.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 với 220 mặt hàng thủy sản có thuế suất cơ sở sẽ về 0 – 22% kể từ ngày 1/8. Đây là một nỗ lực đàm phán giữa Chính phủ Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) nhằm phát triển kinh tế.

Riêng cá ngừ đông lạnh dạng fillet và loin thuế suất cơ bản từ 18% sẽ được giảm về 0% theo lộ trình 3 năm; cá ngừ đóng hộp thuế 0% với hạn ngạch thuế quan là 11.500 tấn/năm. Đây là cơ hội để doanh nghiệp tăng cường mở rộng thị trường và tận dụng lợi thế cạnh tranh với đối thủ các nước như Thái Lan đang chịu mức thuế là 18 – 24%.

Theo VASEP, trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp các mặt hàng xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong đó có cá ngừ vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng. Tuy nhiên, với EVFTA, dự báo tổng giá trị xuất khẩu sang EU trong 3 tháng cuối năm 2020 sẽ tăng nhẹ hoặc tương đương quý III với khoảng 33 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đưa tổng giá trị cá ngừ sang thị trường EU trong năm 2020 lên con số 123 triệu USD, chỉ giảm nhẹ 7% so với năm 2019.

Các sản phẩm cá ngừ xuất khẩu qua Tây Ban Nha của Công ty TNHH Hải Vương

Ông Phùng Đức Tiến cho biết sau 2 tháng kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, nhiều mặt hàng nông nghiệp của Việt Nam khi xuất khẩu vào EU có những chuyển biến tích cực. Cụ thể, so với tháng 7/2020, giá trị xuất khẩu sang EU tăng 11,5% vào tháng 8/2020 và 32,4% vào tháng 9/2020. Từ 1/8 đến nay, tổng sản phẩm nông sản qua EU đã đạt 766 triệu USD. “Với hạn ngạch 11.500 tấn cá ngừ đóng hộp ưu đãi 0% thuế, từ tháng 8, lượng đơn hàng xuất khấu tăng đáng kể. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên nhu cầu sử dụng các sản phẩm cá ngừ đóng hộp tại nhà của EU tăng mạnh. Cùng với ưu đãi về thuế quan mang đến triển vọng cho xuất khẩu cá ngừ Việt Nam”, ông Tiến đánh giá.

 

Nỗ lực gỡ thẻ vàng

Về việc gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản Việt Nam, theo kế hoạch tháng 11/2019, EC sẽ đanh giá đợt 2, tháng 6/2020 sẽ đánh giá đợt 3. Tuy nhiên, do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 nên EC phải hoãn lịch đánh giá đợt 3 mà thay vào đó là cuộc họp trực tuyến với các khuyến nghị được đánh giá lại từ đợt 2.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng để chuẩn bị cho EVFTA, Việt Nam đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị với nỗ lực cao nhất để gỡ thẻ vàng IUU (truy xuất nguồn gốc thủy sản, chống đánh bắt bất hợp pháp) để phát triển bền vững, đảm bảo uy tín ngành thủy sản. Các doanh nghiệp đã chuẩn bị hệ thống tiêu chuẩn, chứng nhận quốc tế, cập nhật thông tin chế biến… để đáp ứng các nội dung theo EVFTA.

Ông Nguyễn Văn Dự, Ban giám đốc Công ty TNHH Hải Vương, cho biết là thành viên tham gia biên soạn sách trắng IUU, đơn vị đã luôn tiên phong đi đầu trong các hoạt động hỗ trợ ngư dân thực thi các quy định về IUU nhằm khắc phục thẻ vàng IUU đến cộng đồng châu Âu. Doanh nghiệp luôn cam kết không thu mua, lưu trữ hoặc tiêu thụ các sản phẩm thủy sản có nguồn gốc bất hợp pháp. Thực hiện minh bạch chuỗi truy xuất nguồn gốc trong từng sản phẩm.

Cùng với đó, đại diện Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam, cho hay Hiệp hội đang xây dựng 2 chuỗi giá trị cho cá ngừ vây vàng và sọc dưa theo chương trình cải thiện nghề cá ngừ đại dương (FIP) phạm vi thế giới và đạt chứng chỉ quốc tế. Trong chuỗi giá trị này, mắt xích ngư dân và tàu thu mua, Hiệp hội đang tập trung hỗ trợ, đào tạo ngư dân để đạt mục tiêu “cung cấp các sản phẩm cá ngừ an toàn và minh bạch” bằng cách ghi nhật ký khai thác theo quy định. Đào tạo ngư dân bảo vệ các hệ sinh thái, bảo vệ môi trường bằng các giải pháp kỹ thuật, ý thức không xả thải trên biển.

Mắt xích nhà máy chế biến xuất khẩu, hiện nay đối với cá ngừ đại dương đã có 23 nhà máy và 7 nhà mua hàng quốc tế trên toàn thế giới tham gia. Đối với cá ngừ sọc dưa có 14 nhà máy chế biến đồ hộp và 4 nhà mua hàng quốc tế, qua đó xây dựng được mã truy xuất nguồn thủy sản. Mã truy xuất này được các nhà mua hàng quốc tế công nhận. Hiệp hội đang triển khai thí điểm truy xuất nguồn gốc điện tử ở Bình Thuận để giúp minh bạch hóa các sản phẩm cá ngừ.

Mắt xích thứ 3 là nhà mua hàng, Hiệp hội đã liên kết được 7 nhà mua hàng cá ngừ đại dương và 4 nhà mua hàng cá ngừ sọc dưa ở các thị trường quốc tế có trách nhiệm hỗ trợ ngược lại để giúp Việt Nam cải thiện nghề cá. “Hiện nay, mỗi kg mà Việt Nam xuất đi có mã truy xuất nguồn gốc thì nhà mua hàng trích lại 2 cent để hỗ trợ cải thiện hệ thống truy xuất nguồn gốc, khắc phục thẻ vàng IUU”, vị đại diện Hiệp hội Cá ngừ đại dương cho biết.

>> Để phát triển xuất khẩu sang EU bền vững, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị các địa phương và doanh nghiệp đảm bảo triển khai đầy đủ cam kết quốc tế, tạo điều kiện, kêu gọi đầu tư về khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng thủy sản, tăng thu nhập cho người dân. Các doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật thông tin từ Tham tán thương mại của Việt Nam ở EU để có kế hoạch sản xuất, cập nhật thị trường, nhu cầu, hỗ trợ khắc phục hàng rào kỹ thuật. Đặc biệt tuân thủ quy định chống khai thác IUU, an toàn thực phẩm, sở hữu trí tuệ khi xuất khẩu qua EU.

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *