Cà Mau: Nghề làm tôm khô được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Hiện toàn tỉnh Cà Mau có hơn 100 cơ sở sản xuất tôm khô từ quy mô hộ gia đình đến hợp tác xã. Nghề truyền thống này đã gắn bó với người dân nơi đây từ nhiều đời. Cà Mau cũng là tỉnh duy nhất trên cả nước có 3 mặt giáp biển, với thế mạnh nuôi trồng thủy sản, trong đó, tôm là mặt hàng tạo ra giá trị lớn nhất, gắn bó mật thiết với đời sống, sinh kế của người dân.
Công nhân sơ chế tôm khô ở ấp Tân Thành, xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Ảnh: ST
Tôm Cà Mau được thả nuôi theo nhiều hình thức như quảng canh, quảng canh cải tiến, thâm canh, siêu thâm canh… Ðặc biệt, tôm sinh thái Cà Mau có chất lượng và giá trị cao nhờ nuôi theo mô hình xen canh tôm – rừng, luân canh tôm – lúa. Khi trữ lượng tôm dồi dào đã hình thành nghề làm tôm khô, nghề truyền thống mang thương hiệu riêng của vùng đất Cà Mau.
Nghề làm tôm khô phát triển nhất ở các huyện có thế mạnh nuôi tôm dưới tán rừng của Cà Mau như: Ngọc Hiển, Năm Căn. Trước đó, vào năm 2012, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học Công nghệ đã công nhận “Tôm khô Rạch Gốc” là nhãn hiệu tập thể của người dân huyện Ngọc Hiển. Năm 2021, tôm khô Cà Mau đã lọt vào top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam.
Sự khéo léo của người làm nghề tôm khô nằm ở chỗ họ nắm được cách pha nước muối để luộc tôm đến độ vừa chín, canh lửa, canh thời gian luộc tôm, chế độ phơi và đảo tôm khi phơi sao cho phù hợp. Sản phẩm tôm khô trở thành món ăn truyền thống trong các dịp lễ, Tết của người Nam Bộ. Món ăn từ tôm khô rất đa dạng như: tôm khô ăn liền, chà bông, gỏi chua, nấu canh, tôm khô rang muối, bắp xào tôm khô, sa tế tôm khô, kho quẹt tôm khô, tôm khô rim nước mắm…
Nam Linh
Bình luận gần đây