Bình Thuận: Tăng tốc xuất khẩu thủy sản cuối năm: Giải quyết bài toán nguyên liệu
Ông Trần Văn Hiến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản tỉnh Bình Thuận cho biết: Từ đầu năm đến nay, việc xuất khẩu thủy sản tỉnh liên tục phải đối mặt với nhiều thách thức. Nguyên nhân, do sự thiếu hụt nguồn nguyên liệu, giá đầu vào tăng cao; sự cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu ngoài tỉnh; thời tiết biến động, tàu, thuyền ra khơi đánh bắt không phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, các rào cản kỹ thuật và thuế quan tại các thị trường nhập khẩu đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Những tháng cuối năm 2013 đang là thời gian cao điểm của xuất khẩu thủy sản, tuy nhiên ảnh hưởng mùa gió bấc nên ngư trường không thuận lợi cho việc khai thác, đánh bắt thủy sản dự báo nguyên liệu chế biến cuối năm vẫn còn thiếu. 11 tháng năm 2013, tổng sản lượng khai thác hải sản đạt 173.131 tấn, bằng 93,6% KH, tăng 3% so với cùng kỳ, tuy vậy theo đánh giá các chuyên gia thủy sản, số lượng này vẫn chưa đáp ứng đủ yêu cầu chế biến và xuất khẩu của các doanh nghiệp trong tỉnh. Hoạt động chế biến hải sản toàn tỉnh chủ yếu tập trung vào các sản phẩm lợi thế. Các doanh nghiệp phải chủ động thu mua nguyên liệu từ nhiều nguồn nên sản lượng chế biến 11 tháng ước đạt 38.252 tấn, đạt 94,1% KH, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Trong đó, chế biến nước mắm sản lượng ước đạt 35,6 triệu lít, bằng 81,8% KH, đạt xấp xỉ so cùng kỳ. Bên cạnh đó, khó khăn việc nuôi trồng thủy sản 11 tháng ước đạt 11.420 tấn, đạt 73,8% KH, giảm 10,8% so cùng kỳ cũng ảnh hưởng nguồn nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu…
Chế biến thủy sản xuất khẩu. Ảnh: N.L
Cũng theo ông Trần Văn Hiến, sản phẩm chế biến xuất khẩu thế mạnh của tỉnh Bình Thuận là các mặt hàng đông lạnh, đặc biệt là mực. Ngoài ra còn có các loại như: cá, nghêu, sò, tôm và sản phẩm đồ hộp thủy sản trên cơ sở quản lý chặt chẽ chất lượng – an toàn vệ sinh theo tiêu chuẩn EU, Mỹ. Để đảm bảo mục tiêu xuất khẩu, thời gian tới, nhiệm vụ đặt ra cần tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu ở những thị trường tiềm năng như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, đồng thời mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước Trung Đông, Đông Âu. Bên cạnh đó, để ổn định vùng nguyên liệu, ngành nông nghiệp cũng đề ra các giải pháp: Tổ chức quản lý, phát huy các công trình cảng, bến cá đã đầu tư, thu hút tàu thuyền trong và ngoài tỉnh tập kết bán sản phẩm thủy sản, tạo nguồn nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu. Đối với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản, phải tự tháo gỡ khó khăn để duy trì, gia tăng khối lượng sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu. Đồng thời, các doanh nghiệp phải đầu tư, nâng cấp thiết bị công nghệ chế biến hiện đại, nâng cao giá trị sản phẩm, từng bước cơ cấu lại sản phẩm chế biến đông lạnh theo hướng giảm tỷ lệ sơ chế, tăng tỷ trọng sản phẩm có giá trị gia tăng như sản phẩm thủy sản ăn liền, đa dạng hóa mặt hàng chế biến. Bên cạnh đó, khuyến khích mở rộng áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm theo các tiêu chuẩn quốc tế ISO, HACCP, GMP, SSOP. Tăng cường công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, ngăn chặn hiệu quả và xử lý nghiêm việc sử dụng các hóa chất, kháng sinh cấm, tạp chất thu gom, bảo quản và chế biến thủy sản. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.
>> Thống kê Sở NN&PTNT Bình Thuận cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản toàn tỉnh 11 tháng ước đạt 69,5 triệu USD, đạt 73,1% KH, giảm 8,8% so cùng kỳ. Dự báo tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2013 đạt 83,7 triệu USD, đạt 88,1% KH, thấp hơn dự kiến ban đầu là 11,3 triệu USD và mới chỉ đạt xấp xỉ bằng cùng kỳ. |
Bình luận gần đây