Bến Tre: Ưu tiên phát triển kinh tế thủy sản

Vượt chỉ tiêu kế hoạch

Theo Sở NN&PTNT Bến Tre, năm 2023, tổng diện tích nuôi thủy sản của tỉnh khoảng 47.800 ha, đạt hơn 100% so kế hoạch năm. Toàn tỉnh có trên 36.300 ha diện tích nuôi tôm nước lợ; trong đó nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đã phát được 3.110 ha, người nuôi có lãi từ 20.000 – 40.000 đồng/kg. Riêng nuôi tôm quảng canh, tôm lúa với diện tích trên 5.000 ha.

Đến nay, Bến Tre duy trì diện tích nuôi cá tra thâm canh được hơn 800 ha. Ảnh: ST

Đến nay, Bến Tre duy trì diện tích nuôi cá tra thâm canh được hơn 800 ha, đạt sản lượng 195.000 tấn, 1.800 ha nuôi tôm càng xanh xen ruộng lúa và mương vườn cho sản lượng 1.277 tấn. Diện tích thả nuôi cá tra thâm canh ước tính là 846 ha, giảm 3,86% so cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, người dân ở các địa phương đã tận dụng bãi biển thả nuôi nhuyễn thể với diện tích khoảng 5.150 ha, đạt 100% so kế hoạch, tập trung tại 3 huyện Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú. Trong đó, nghêu chiếm diện tích lớn nhất 4.220 ha còn lại sò huyết 900 ha và hàu 30 ha. Tổng sản lượng thu hoạch nhuyễn thể ước đạt 14.800 tấn.

Sản lượng tôm giống sản xuất trong năm 2023 ước là 4.405 triệu con, tăng 2,04% (tương ứng tăng 88 triệu con) so cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do nhu cầu thả nuôi của người dân tăng.

Tỉnh Bến Tre kêu gọi thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến thủy sản. Ảnh: HH

Đặc biệt, hiện nay, tỉnh Bến Tre có hơn 4.800 ha ao nuôi thủy sản áp dụng tiêu chuẩn ASC, BAP, GLOBAL GAP, MSC; trong đó, có 430 ha đạt ASC và BAP, 27 ha đạt ASC; 95 ha đạt BAP, 55 ha đạt ASC, BAP và GlobalGAP và 4.200 ha đạt tiêu chuẩn MSC. Lũy kế hết năm 2023, có 678 cơ sở cấp giấy đăng ký nuôi đối tượng chủ lực, với tổng diện tích hơn 1.935 ha.

Ngành thủy sản tỉnh đang tập trung 5 đối tượng nuôi chủ yếu là: tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cá tra, nghêu và tôm càng xanh. Ngoài ra, còn chú ý phát triển một số đối tượng nuôi khác như: cá chẽm, cá điêu hồng, cá rô phi dòng Gift, cua biển và sò huyết.

Thu hút đầu tư chế biến

Cùng với nghề nuôi trồng, hoạt khai thác thủy sản ở Bến Tre cũng ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 2.766 tàu, đăng ký, tổng công suất 941.997KW. Công suất bình quân 318KW/tàu; trong đó tàu xa bờ 2.034 tàu, 902.147KW, công suất bình quân 451 KW, sản lượng khai thác hằng năm trên 210.000 tấn, đóng góp đáng kể vào kinh tế – xã hội của tỉnh, nhất là đối với 3 huyện ven biển; đồng thời góp phần quan trọng bảo vệ an ninh quốc phòng của quốc gia.

Tính đến nay, đã có 2.001/2.034 (98,37%) tàu cá thuộc diện bắt buộc đã lắp đặt thiết bị. Ngành chức năng đã kiểm tra, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật cho 1.074 tàu cá, ước thực hiện cả năm 1.965/2.427 tàu thuộc diện đăng kiểm đạt 80,96%. Các huyện đã duy trì 160 tổ hợp tác, 1.085 hộ, 2.065 tàu và 15.344 thuyền viên. Việc thành lập tổ, đội sản xuất trên biển mang lại hiệu quả khá tích cực.

Tổng sản lượng thủy sản khai thác cả năm 2023 ước đạt 254,78 nghìn tấn, tăng 6,33% so cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do tình hình thời tiết trên biển tương đối thuận lợi, giá nhiên liệu ổn định, các phương tiện khai thác trên địa bàn tỉnh hoạt động thường xuyên. Tình hình tiêu thụ sản phẩm khai thác khá thuận lợi, đã tạo điều kiện cho ngư dân ra khơi.

Hiện, Bến Tre đang chú trọng vào đẩy mạnh chế biến. Cụ thể là địa phương kêu gọi thu hút đầu tư vào lĩnh vực này, nhất là chế biến tôm biển, góp phần nâng cao giá trị chuỗi tôm của tỉnh. Toàn tỉnh có 13 nhà máy chế biến thủy sản phục vụ chế biến xuất khẩu với công suất thiết kế 150.000 tấn nhưng chủ yếu sản xuất, chế biến các sản phẩm từ cá tra, nghêu… Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Nhật Bản, Mỹ, EU, các nước Trung và Nam Mỹ, châu Á… Bến Tre cũng đặt mục tiêu đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 2.500 triệu USD. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm thủy sản chế biến giá trị gia tăng đạt trung bình trên 40%, trong đó tôm đạt 50%, cá tra đạt 20%, nghêu đạt 50%, thủy sản khác đạt 40%.

Thời gian tới, Bến Tre tiếp tục chú trọng các đối tượng nuôi truyền thống có nhiều lợi thế như: Tôm thẻ chân trắng, tôm sú, nhuyễn thể; đồng thời nghiên cứu phát triển các đối tượng nuôi biển mới có giá trị cao đáp ứng nhu cầu thị trường. Về khai thác, tỉnh xác định phát triển theo hướng giảm mạnh khai thác gần bờ và các nghề lạm sát nguồn lợi hải sản. Phát triển mạnh khai thác xa bờ và các nghề đánh bắt có chọn lọc. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với chế biến, xuất khẩu…

Thái Thuận

You may also like...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *