Bao giờ thủy sản xuất khẩu hết fillet, đóng hộp?
Hết fillet…
Khi làm việc với các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam, một thành viên của Hiệp hội thủy sản Mỹ cho rằng, dù Mỹ là thị trường tiêu thụ cá tra lớn của Việt Nam nhưng trong những năm tới nếu các doanh nghiệp Việt Nam không giới thiệu với người tiêu dùng những sản phẩm giá trị gia tăng từ cá tra, khả năng mở rộng thị trường đối với cá tra tại Mỹ sẽ gặp những khó khăn. Tuy đây chỉ là ý kiến mang tính cá nhân không bao quát được toàn bộ vấn đề nhưng nếu nhìn lại lịch sử phát triển của thủy sản nước ta trong những năm qua sẽ thấy hầu như nhiều năm qua, Việt Nam chỉ bán một mặt hàng.
Kể từ năm 2000 trở lại đây, khi nói đến thủy sản, người ta biết đến Việt Nam với những cụm từ như “Vương quốc cá tra”, một đối thủ đáng gờm về sản xuất và xuất khẩu tôm đông lạnh. Những số liệu cho thấy, 90% mặt hàng fillet cá tra đang được thế giới tiêu thụ có nguồn gốc Việt Nam, còn tôm Việt Nam chỉ xếp sau Trung Quốc và Thái Lan. Nhưng giá bán những mặt hàng Việt Nam không cao, luôn ở phân khúc thị trường trung bình. Đã nhiều năm qua, giá 1 kg fillet cá tra xuất khẩu của Việt Nam chỉ quanh quẩn mức 3 USD, có thời điểm khoảng 3,3 USD/kg nhưng không kéo dài được bao lâu, lúc thấp nhất (giữa năm 2015) có doanh nghiệp nhập khẩu ở EU chỉ đồng ý mua fillet cá tra Việt Nam với giá 2,6 USD/kg. Thế mới thấy, những năm qua, cá tra Việt Nam luôn là sản phẩm cấp thấp và trung bình.
Cá tra Việt Nam xuất khẩu chủ yếu dưới dạng fillet – Ảnh: Lê Hoàng Vũ
Theo giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, lý do khiến cá tra không thể bán được giá cao vì nhiều năm nay chỉ bán duy nhất sản phẩm fillet. “Mỗi năm Việt Nam cung cấp cho thị trường khoảng 600.000 tấn cá tra, trong đó khoảng 80% là fillet. Dễ hiểu vì sao, giá cá tra fillet 10 năm qua vẫn quanh 3 USD/kg”, ông nói.
… lại đóng hộp
Cá ngừ đại dương cũng không ngoại lệ. Đây được xem là một trong ba mặt hàng thủy sản chiến lược xuất khẩu của Việt Nam sau tôm và cá tra, nhiều năm qua giá trị xuất khẩu chỉ khoảng 500 triệu USD. Theo Bộ NN&PTNT, năm 2015, lượng cá ngừ đại dương cả nước đánh bắt gần 18.000 tấn, giá trị xuất khẩu 470 triệu USD. Tuy nhiên, do cá ngừ đánh bắt theo câu vàng của Việt Nam thường có chất lượng thịt sau 3 – 4 tuần đi biển không làm được những sản phẩm giá trị cao như sushi, sushimi mà chỉ phù hợp tiêu thụ nội địa và chế biến thành đồ hộp, đóng bao, đóng túi.
Tuy nhiên, con số 470 triệu USD xuất khẩu trong năm 2015 không phải con số thực, vì trong năm qua Việt Nam cũng bỏ ra 260 triệu USD để nhập cá ngừ của các nước dưới dạng tạm nhập tái xuất. Như vậy, thực tế ngành đánh bắt cá ngừ mang về qua xuất khẩu chỉ 210 triệu USD. So sánh một con cá ngừ đại dương của ngư dân Việt Nam đánh bắt và cá ngừ đại dương của ngư dân Nhật Bản đánh bắt, tờ báo tiếng Anh hàng đầu của Nhật Bản http://asia.nikkei.com cho biết: giá một kg cá ngừ bán tại Nhật tháng 1/2016 khoảng 3.000 yên (gần 600.000 VND), cao gấp 4 lần so với ngư dân Phú Yên bán cho các doanh nghiệp thủy sản.
Theo phía Tập đoàn Kato (Nhật Bản), đối tác của Bộ NN&PTNT trong chương trình chuyển giao công nghệ và ngư cụ khai thác cá ngừ đại dương cho Việt Nam, lý do để chất lượng cá ngừ đại dương của Việt Nam không thể chế biến được gì ngoài sản phẩm đóng hộp, đóng bao hay đóng túi là ở công nghệ đánh bắt và bảo quản của ngư dân chủ yếu là tự học và tích lũy kinh nghiệm sau một lần đi biển.
Cũng theo tập đoàn này, do trước đây ngư dân đánh bắt để đáp ứng nhu cầu nội địa nên đánh bắt bằng cách nào, chất lượng sản phẩm tốt hay xấu đều vẫn bán được. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp trong nước mở rộng thị trường sang phân khúc sản phẩm chế biến cấp cao, sản phẩm có giá trị gia tăng cao, nhưng do tập quán đánh bắt nên dù doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản có tham vọng làm ra sản phẩm giá trị gia tăng cao cũng không thể làm được sản phẩm từ nguồn cung trong nước.
Với những công nghệ phía Nhật đang chuyển giao cho Việt Nam, hy vọng thời gian tới, điểm yếu cốt tử của ngành cá ngừ nước ta là chất lượng sẽ được cải thiện. Lúc đó, chúng ta có quyền hy vọng mặt hàng cá ngừ thể hiện đúng vai trò một sản phẩm thủy sản xuất khẩu chiến lược của Việt Nam, thay vì chỉ biết đóng hộp xuất khẩu như lâu nay.
>> Đế đáp ứng nhu cầu thị trường, đa dạng hóa sản phẩm là vô cùng quan trọng, nhất là những sản phẩm giá trị gia tăng có thể tận dụng nguồn lợi vốn có. Tuy nhiên, phải luôn chú trọng chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. |
Bình luận gần đây