Bài học từ trồng rong biển tại Indonesia

Hướng đến mục tiêu dẫn đầu

Nuôi trồng rong biển chỉ mới được đưa vào giới thiệu tại Tây Papua (một tỉnh xa của Indonesia) cách đây ba năm, là một phần của dự án do Chính phủ Indonesia và Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) của Liên hợp quốc tài trợ.

Ron Hartman, chuyên gia tại IFAD cho biết: “An ninh tài chính là một trong những mục tiêu của dự án, nhằm tạo ra thu nhập cao hơn cho mọi người. Và họ có thể tái đầu tư vào giáo dục cho con cái; cải thiện dinh dưỡng…”.

Nông dân trồng rong biển, Abdul Golap cho biết: “Thu nhập của người dân tăng lên đáng kể nhờ rong biển, từ 50 USD/tháng trước đây lên hơn 200 USD/tháng. Nhờ nuôi trồng rong biển, con cái tôi đã có thể đến trường đại học”.    

Các cơ quan phát triển quốc tế bắt đầu hỗ trợ Indonesia trong nuôi trồng rong biển vào đầu năm 1980. Từ đó đến nay, sản lượng rong biển của nước này tăng lên đáng kể, từ 233.156 tấn (năm 2003) lên gần 3 triệu tấn (năm 2009) và phấn đấu đạt 10 triệu tấn vào năm 2015.

Bộ trưởng Bộ Hàng hải và Ngư nghiệp Indonesia (MMAF), Fadel Muhammad cho biết: “Chúng tôi đang cố gắng tăng sản lượng rong biển trên quy mô lớn nhằm để Indonesia trở thành nhà sản xuất rong biển lớn nhất thế giới”.

Nuôi trồng rong biển ở Indonesia đang được triển khai ở 33 tỉnh trong cả nước; trong đó, 5 tỉnh có diện tích và sản lượng lớn nhất là Đông Nusa Tenggara, Nam Sulawesi, Trung Sulawesi, Bali và Đông Nam Sulawesi.     

Giáo sư La Ode Muhammad Aslan, chuyên gia nuôi trồng thủy sản của Đại học Haluoleo ở Kendari, Đông Nam Sulawesi cho biết, 5 năm qua, Nam Sulawesi sản xuất được 648.528 tấn rong biển, Đông Nusa Tenggara là 606.273 tấn, Trung Sulawesi 287.263 tấn, Bali 150.000 tấn và Đông Nam Sulawesi 123.486 tấn.

 

Tăng cường hợp tác

Mặc dù là quốc gia có tiềm năng trong lĩnh vực khai thác, nuôi trồng và xuất khẩu rong biển lớn nhất thế giới với hơn 17.000 hòn đảo nằm trải dài từ Đông sang Tây trên Thái Bình Dương song Indonesia vẫn chưa khai thác hết tiềm năng. Nước này chủ yếu vẫn xuất khẩu rong biển dưới dạng sản phẩm thô hay sơ chế.

Số liệu thống kê của MMAF cho biết: Năm 2012, Indonesia xuất khẩu 174.000 tấn rong biển, đạt 177,9 triệu USD, trong đó 80% được sấy khô và chỉ có 20% còn lại được chế biến dưới hình thức thạch và carrageenan. Rong biển khô có giá dao động  2 – 3 USD/kg, trong khi giá carrageenan chất lượng tốt có thể lên tới 20 USD/kg.

Theo đó, để nâng doanh thu và cải thiện đời sống của người lao động trong lĩnh vực này, Chính phủ Indonesia đã có kế hoạch tăng cường chế biến rong biển xuất khẩu để tăng giá trị gia tăng.

Cụ thể, MMAF đang tăng cường hợp tác với các đối tác nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực trên, trong đó có Cơ quan xúc tiến thương mại Thụy Sỹ thực hiện Chương trình xúc tiến xuất – nhập khẩu rong biển; đồng thời mời các nhà nhập khẩu từ một số nước châu Âu (như: Áo, Đan Mạch, Đức, Ireland và Thụy Sĩ) tới thăm các cơ sở chế biến rong biển ở Indonesia. Ngoài ra, Bộ cũng cử đoàn xúc tiến xuất khẩu rong biển tới châu Âu để học tập, trao đổi kinh nghiệm…

>> Indonesia là nước xuất khẩu rong biển khô lớn nhất thế giới với kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt 145.000 tấn, chiếm khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu rong biển nhiệt đới trên thế giới.

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *