Bạch tuộc Việt lên ngôi ở Hàn Quốc

Tăng trưởng nhanh, ổn định

Theo Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc (kita.org), Việt Nam là nguồn cung bạch tuộc đông lạnh lớn nhất cho quốc gia này, chiếm 43% thị phần; Trung Quốc đứng thứ hai chiếm 41% thị phần. Năm 2021, các sản phẩm bạch tuộc đông lạnh chiếm tới 78% tổng giá trị xuất khẩu. Việc xuất khẩu bạch tuộc hưởng ưu đãi thuế quan 0% giúp Việt Nam tăng kim ngạch nhanh chóng. Xuất khẩu mực, bạch tuộc trong quý IV/2021 với giá trị xuất khẩu đạt 82,1 triệu USD, tăng 20% so cùng kỳ năm 2020. Tính cả năm 2021, giá trị xuất khẩu sang thị trường này đạt 247,9 triệu USD, tăng gần 7% so năm 2020. Sản phẩm xuất khẩu chủ lực là bạch tuộc cắt đông lạnh, bạch tuộc nguyên con làm sạch đông lạnh, bạch tuộc cắt khúc ướp đá, bạch tuộc chế biến đông lạnh…

Năm 2022, tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng nhóm sản phẩm thủy sản này của Việt Nam tại thị trường Hàn Quốc; khi trong tháng 1/2022, xuất khẩu mực, bạch tuộc sang thị trường này đạt trên 28 triệu USD, tăng 18% so cùng kỳ năm ngoái.

Phát huy “tiềm năng bạch tuộc”

Theo VASEP, top các thị trường xuất khẩu mực, bạch tuộc lớn nhất hiện là Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và Hồng Kông, EU, Thái Lan, Mỹ, Israel, Đài Loan, chiếm 98% tổng giá trị xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam. Trong top 5 thị trường mực, bạch tuộc chính của Việt Nam tháng 1/2022, xuất khẩu sang Trung Quốc và Hồng Kông tăng 176%. Xuất khẩu sang EU tăng 90% (xuất sang Tây Ban Nha và Pháp tăng trưởng 3 con số lần lượt 562% và 346% so cùng kỳ năm 2021).

Cơ cấu xuất khẩu mực chiếm 56,4% và bạch tuộc chiếm 43,6% bạch tuộc tươi, đông lạnh mã HS 03 chiếm 86% tổng xuất khẩu bạch tuộc. Với mặt hàng mực, sản phẩm tươi/đông lạnh/khô chiếm 93%…

Trong phân khúc bạch tuộc đông lạnh, bạch tuộc chế biến đông lạnh và bạch tuộc cắt đông lạnh là 2 sản phẩm chính của Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc. Bạch tuộc chế biến đông lạnh xuất sang Hàn Quốc có giá dao động từ 13 – 20 USD/kg, trong khi giá xuất khẩu bạch tuộc cắt đông lạnh dao động 4 – 9,5 USD/kg. Top doanh nghiệp xuất khẩu bạch tuộc sang Hàn Quốc thì Công ty CP Chế biến Thủy sản XNK Kiên Cường đang chiếm tỷ trọng lớn nhất, khoảng 14% giá trị; kế đến là Công ty CP XNK Thủy sản Hợp Tấn chiếm khoảng 12%.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn phức tạp, nhu cầu tiêu thụ vẫn nghiêng về các sản phẩm mực, bạch tuộc có giá vừa phải, dễ chế biến, có thời hạn bảo quản lâu, phù hợp với chế biến và tiêu thụ tại nhà như: mực khô, bạch tuộc khô, bạch tuộc đông lạnh…

Món ăn khoái khẩu

Bạch tuộc là món ăn khoái khẩu của người châu Á. Người Việt Nam thích ăn món bạch tuộc nướng, nhưng ngày nay, món bạch tuộc xào cay kiểu Hàn Quốc cũng rất được giới trẻ ưa thích.

Tại Hàn Quốc và Nhật Bản, bạch tuộc là món ăn dân dã đường phố nhưng cũng được bán phổ biến trong các nhà hàng sang trọng. Bạch tuộc xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc chiếm 68%, sang Nhật Bản chiếm 18%. Tiếp đến là Mỹ, Italy và Nga.

Khai thác và chế biến xuất khẩu bạch tuộc đang trở thành một nghề cho thu nhập ổn định với ngư dân Việt Nam. Sản phẩm bạch tuộc xuất khẩu từ Việt Nam cũng đem đến cho khách hàng một món ăn độc đáo và giàu năng lượng trong hoàn cảnh đại dịch COVID-19 vẫn còn ảnh hưởng tới đời sống của người dân nhiều nơi trên thế giới.

Tuy nhiên, xuất khẩu mực, bạch tuộc Việt Nam vẫn chịu tác động của dịch COVID-19 và nguồn cung nguyên liệu sản xuất hạn chế. Ngoài ra, hoạt động xuất khẩu cũng bị hạn chế bởi cước vận tải biển tăng cao. Hiện, Hàn Quốc, Thái Lan, EU, Mỹ vẫn là những thị trường có nhu cầu ổn định trong nhập khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam.

Các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy, hải sản Việt Nam mong muốn được hỗ trợ nhiều hơn từ các cơ quan quản lý nhà nước để tiếp tục giữ vững các thị trường trọng điểm như Hàn Quốc, Trung Quốc…, qua đó giúp ngành thủy sản đảm bảo chỉ tiêu xuất khẩu trong năm mới.

>> Vài năm trở lại đây, sản phẩm mực và bạch tuộc đóng góp khá lớn cho tổng giá trị xuất khẩu của thủy sản Việt Nam khi liên tục ghi nhận mức độ tăng trưởng đạt đến 3 con số. Tính riêng năm 2021, giá trị kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này cán đích với 608 triệu USD, tăng 6,8%. Mực chiếm 52% đạt 315 triệu USD, tăng 3%; bạch tuộc chiếm 48% đạt 293 triệu USD, tăng gần 15%. Bạch tuộc tươi, đông lạnh chiếm 86% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng. Đối với mực, sản phẩm tươi, đông lạnh, khô chiếm đến 93% tổng giá trị.

Nguyễn Anh

You may also like...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *