Ấn Độ thành công nhờ chủ động tôm giống bố mẹ
Đúng hướng
Năm 2013, Ấn Độ vượt qua Thái Lan, chiếm vị trí nhà cung cấp tôm lớn nhất tại thị trường Mỹ. Nguyên nhân dẫn đến sự “soán ngôi” này là do đại dịch bệnh EMS tàn phá ngành tôm của Thái Lan và nhiều nước châu Á khác. Tuy nhiên, phía sau sự lớn mạnh của ngành tôm nuôi Ấn Độ, với diện tích liên tục được mỏ rộng là sự hậu thuẫn và trợ giúp của một dự án hợp tác giữa Trung tâm nuôi trồng thủy sản Rajiv Gandhi, thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ và Viện Hải dương học, thuộc trường Đại học Hawaii Pacific. Hơn 60 trại tôm giống tại Ấn Độ đã được cấp tôm giống bố mẹ từ dự án này, và tôm post được sản sinh ra từ nguồn tôm bố mẹ trên đã tới tay tất cả nông dân nuôi tôm trên toàn Ấn Độ.
Công nghiệp tôm Ấn Độ đang có những phát triển nổi bật – Ảnh: Mangrove
Nguồn tôm bố mẹ ban đầu được lựa chọn trong gia hệ tôm bố mẹ đa dạng tại trung tâm sản xuất tôm bố mẹ O.I.’s Nucleus ở Hawaii, Mỹ. Nguồn tôm này được vận chuyển tới Ấn Độ để tiến hành đánh giá trong các trại nuôi thương phẩm thử nghiệm. Sau 70 ngày sinh trưởng, tôm được thu hoạch, dữ liệu về năng suất được tổng hợp lại để phân tích kỹ lưỡng. Sau khi xác định được gia hệ tôm có năng suất cao nhất, các cá thể có cùng bố mẹ từ gia hệ đó được duy trì tại O.I để sản xuất tôm con, sau đó được vận chuyển như tôm post tới Trung tâm nghiên cứu, sản xuất và cung cấp tôm giống Andhra Pradesh (TASPARC) ở Visakhapatnam để nuôi thành tôm bố mẹ.
An toàn sinh học và thực hành nuôi tốt
Tại TASPARC, an toàn sinh học nghiêm ngặt và thực hiện quy trình quản lý tốt nhất đóng vai trò then chốt . Khi vận chuyển tới Ấn Độ, toàn bộ tôm giống bố mẹ được cách ly và kiểm dịch 5 ngày để kiểm tra mầm bệnh. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính, tôm mới được tiếp tục di chuyển tới các trại nuôi thương phẩm thử nghiệm.
Để duy trì được độ an toàn sinh học cao, TASPARC trang bị hệ thống tự động khử khoáng kết hợp lọc nước, tẩy ozone và loại bỏ tia cực tím, nuôi tuần hoàn để giảm thay nước và chương trình giám sát mầm bệnh nhằm đảm bảo tình trạng sạch bệnh với tất cả tôm bố mẹ. Chương trình này có khả năng phát hiện các mầm bệnh sau: virus bệnh đốm trắng, đầu vàng, virus gây bệnh hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu ở tôm, bệnh đục cơ, MBV, virus bacilliform, virus gây bệnh teo gan tụy, virus Mourilyan và virus gây hoại tử gan. Phân tích mô học cũng được tiến hành định kỳ nhằm phát hiện dấu hiệu ủ bệnh. Sau khi đi vào hoạt động, Đại học Arizona đã tiến hành đánh giá và đưa ra kết luận chương trình giám sát dịch bệnh của TASPARC tuân thủ tất cả yêu cầu an toàn sinh học, tránh lây lan của dịch bệnh trên tôm mà Tổ chức Thú y Quốc tế đã liệt kê.
Ảnh: Hindu business line
Chủ động tôm bố mẹ
Tôm bố mẹ TASPARC được nuôi trong hệ thống tăng trưởng 2 pha. Tôm post được nuôi ở các module pha 1 tới khi đạt trọng lượng xấp xỉ 15 – 20 g trước khi được tách ra và chuyển tới module pha 2. Tại đây, tôm sẽ được nuôi với mật độ thấp hơn tới khi đạt trọng lượng 40 – 50 g trong 6 tháng.
Tất cả hệ thống nuôi tôm được đặt bên trong tòa nhà khép kín trang bị nhiều tấm lợp, mức độ trong suốt khác nhau để điều chỉnh nhiệt độ và ánh sáng. Vi tảo được sản xuất tại chỗ và được cấy vào hệ thống nuôi, duy trì tảo phát triển ở cả 2 pha tăng trưởng. Thức ăn chất lượng cao nhập khẩu từ Mỹ nhằm đảm bảo nguồn dinh dưỡng tối ưu trong suốt quá trình tăng trưởng kết hợp giám sát chặt chẽ chất lượng nước. Tôm được cho thích nghi với môi trường tại khu vực phân phối tôm bố mẹ, trước khi tới các trại giống ở Ấn Độ. Trung tâm luôn khuyến khích chủ các trại giống và nông dân cung cấp thông tin phản hồi về năng suất tổng thể của tôm bố mẹ do họ cung cấp. Thông tin này sẽ được sử dụng để sàng lọc lại các mục tiêu, nhằm cung cấp tôm bố mẹ chất lượng cao hơn cho môi trường nuôi thương phẩm.
Ngoài đánh giá trong nước về các gia hệ tôm và nỗ lực sàng lọc liên quan, dự án này mang lại lợi ích gia tăng của việc nuôi vỗ tôm bố mẹ trong nước, giúp chúng dễ dàng thích nghi với khí hậu, điều kiện sống của môi trường từng địa phương, và giảm stress do quá trình vận chuyển đường dài – những yếu tố có thể ảnh hưởng tới năng suất của tôm bố mẹ nhập khẩu.
TASPARC được coi là cánh tay đắc lực trợ giúp ngành công nghiệp nuôi tôm tại Ấn Độ, gồm cả nông dân nuôi quy mô nhỏ bằng cách cung cấp tôm thẻ bố mẹ sạch bệnh với mức giá hợp lý và tránh chi phí vận chuyển khá cao trong quá trình nhập khẩu tôm bố mẹ từ các quốc gia khác.
>> TASPARC đi vào hoạt động từ đầu tháng 10/2012, khi tiếp nhận lô tôm thẻ chân trắng giống sạch bệnh từ O.I. Mười tám tháng sau, TASPARC đã sản xuất và cung cấp trên 47.800 tôm thẻ bố mẹ cho các trại giống địa phương. Tới nay, trên 60 trại giống ở Ấn Độ mua tôm bố mẹ của TASPARC và tôm post từ nguồn tôm bố mẹ trên đã tới tay nông dân khắp Ấn Độ. |
Bình luận gần đây