Ảm đạm xuất khẩu tôm cuối năm

Riêng trong tháng 10, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt trên 327 triệu USD, tăng 7,3% so tháng 9/2015, nhưng vẫn giảm 21,7% so cùng kỳ năm 2014. Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu tôm số một của Việt Nam, tuy nhiên trong cơ cấu thị trường nhập khẩu tôm của Việt Nam 10 tháng đầu năm nay, tỷ trọng xuất sang thị trường này đã giảm mạnh 41% so cùng kỳ năm 2014, đạt 536,5 triệu USD. Nhật Bản chỉ đạt 486,7 triệu USD, giảm tới 20,8% so cùng kỳ năm 2014.

 

Tôm thẻ mất ngôi

Năm 2014, tôm thẻ chân trắng (TTCT) đóng vai trò quan trọng, góp phần đưa xuất khẩu tôm chiếm 60% kim ngạch xuất khẩu toàn ngành thủy sản, nhưng năm nay mặt hàng này sụt giảm rõ rệt. 10 tháng, xuất khẩu TTCT chỉ đạt 1,44 tỷ USD, giảm 26,4% so cùng kỳ 2014.

Theo Tổng cục Thủy sản, sở dĩ năm 2014 TTCT “lên ngôi” là vì Bộ NN&PTNT nhận định tình hình dịch bệnh trên TTCT ở nhiều nước diễn ra nghiêm trọng, nguồn cung thiếu hụt nên đã nhanh chóng chỉ đạo tăng diện tích tôm này. Tuy nhiên, bối cảnh thị trường tôm thế giới 2015 đã khác, khi các nước có thế mạnh về xuất khẩu tôm đã cơ bản khống chế dịch bệnh và khôi phục trở lại xuất khẩu, vì vậy, với ưu thế đặc thù không có nhiều thị trường cạnh tranh, Bộ NN&PTNT đã khuyến khích tăng diện tích và sản lượng tôm sú, giảm diện tích tôm chân trắng.

Theo ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, định hướng của Tổng cục Thủy sản từ nay đến cuối năm 2015 là vẫn duy trì thả nuôi TTCT bằng hình thức nuôi thâm canh ở những vùng nuôi có điều kiện đảm bảo; giảm mật độ nuôi và tăng kích cỡ tôm thu hoạch nhằm đáp ứng nhu cầu về tôm cỡ lớn của thị trường, tăng giá trị của sản phẩm. Về lâu dài, phải tiếp tục nâng cao chất lượng con giống, thức ăn và cải tiến quy trình kỹ thuật nuôi nhằm sản xuất tôm có giá thành cạnh tranh trên thị trường.

ảm đạm xuất khẩu tôm cuối năm

Tôm Việt Nam xuất khẩu giảm ở nhiều thị trường – Ảnh: Vũ Mưa

 

Tìm nguyên nhân

Mỹ, Nhật Bản, EU lâu nay là thị trường xuất khẩu tôm quan trọng của Việt Nam nhưng năm nay hầu hết giảm mạnh. Nguyên nhân được chỉ ra là do giá bán sụt giảm (theo tính toán giá bán tôm nguyên liệu giảm khoảng 25 – 30% so với cùng kỳ 2014). Chín tháng đầu năm 2015, Mỹ nhập khẩu 416.311 tấn tôm từ các nước, trị giá 3,9 tỷ USD, tăng 2% về khối lượng nhưng giảm 18% về giá trị. Giá trung bình nhập khẩu tôm vào Mỹ giảm 20% so cùng kỳ năm ngoái từ 11,79 USD xuống 9,42 USD/kg. Tại Nhật Bản, đồng Yên mất giá, kinh tế khó khăn làm giảm giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc khó khăn của ngành tôm từ đầu năm 2015 đến nay cho thấy sức cạnh tranh của mặt hàng này đang yếu dần và khả năng chống đỡ trước các biến động của thị trường cũng rất hạn chế. Theo ông Trần Văn Lĩnh, Phó Chủ tịch VASEP, Việt Nam hiện đã khai thác đến “những giới hạn cuối” trong sản xuất và chế biến về những thuận lợi như điều kiện tự nhiên, giá nhân công rẻ. Điều này đã được cảnh báo từ lâu và nay đã trở thành hiện thực. Khó khăn lớn nhất vẫn là vấn đề con giống, kiểm soát dịch bệnh, quy hoạch vùng nuôi… khiến giá thành tôm Việt Nam cao so với các đối thủ. Giá thành sản xuất một con tôm giống của Việt Nam hiện nay cao gấp gần 2 lần so với Ấn Độ, chi phí cho thức ăn trong chăn nuôi tôm của Việt Nam cũng cao hơn bình quân 40%. Trong khi đó, do nhiều yếu tố môi trường và dịch bệnh, tỷ lệ tôm nuôi thành công của Việt Nam hiện rất thấp, chỉ khoảng 33 – 35%, trong khi Indonesia hay Ấn Độ tỷ lệ nuôi thành công lên tới 70%.

“Chính những yếu tố này khiến giá thành tôm nguyên liệu của Việt Nam luôn cao hơn các nước 1 – 3 USD/kg. Bên cạnh đó, việc nhiều quốc gia có thế mạnh về xuất khẩu tôm phá giá mạnh đồng nội tệ, trong khi Việt Nam vẫn giữ tương đối tỷ giá VND cũng đang góp phần tạo thêm khó khăn cho xuất khẩu tôm thời gian qua”- ông Lĩnh nói.

VASEP cũng dự báo, sự khó khăn của xuất khẩu không chỉ diễn ra trong 2 tháng cuối năm mà có thể kéo dài trong năm 2016, thậm chí sang năm 2017. Do đó, giải pháp đồng bộ về ngắn hạn và lâu dài để giữ ổn định tăng trưởng cho mặt hàng xuất khẩu chủ lực này cần gấp rút được thực hiện.

>> Theo ông Nguyễn Trung Kiên, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn, Ngân hàng Thế giới dự đoán giá tôm sẽ giảm trong dài hạn do nhu cầu yếu tại các thị trường truyền thống, biến động vĩ mô tại các thị trường mới nổi và dư cung tại các nước sản xuất lớn. Năm 2016 giảm 4%, năm 2017 giảm 7% và năm 2020 có thể giảm tới 13% so năm 2015.

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *