Truy xuất nguồn gốc hải sản thông qua hệ thống cảng cá
Cảng cá Thọ Quang, Đà Nẵng Ảnh: An Đăng
Đầu tư, nâng cấp
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, cả nước có 82 cảng cá đã đi vào hoạt động, đạt 65% so quy hoạch, trong đó, 25 cảng cá loại I, 57 cảng cá loại II với tổng số lượng hàng hóa qua cảng thiết kế/năm khoảng 1,8 triệu tấn/9.298 lượt tàu/ngày. 9 cảng cá đáp ứng cho tàu cá công suất lớn nhất là 1.000 CV và 3 cảng đáp ứng cho tàu cá công suất lớn nhất là 2.000 CV là cảng cá P. Cam Linh, TP Cam Ranh, cảng cá Thọ Quang, TP Đà Nẵng và cảng cá Tắc Cậu tỉnh Kiên Giang. Còn đối với các khu neo đậu tránh trú bão, hiện cả nước có 20 cảng cá loại I, 35 cảng cá loại II kết hợp khu neo đậu tránh trú bão, trong đó có 4 khu cấp vùng. Hiện, đã đầu tư hoàn thành 40 khu neo đậu tránh trú bão với công suất khoảng 42.131 tàu neo đậu theo yêu cầu, trong đó, Bộ NN&PTNT quản lý 12 khu, UBND các tỉnh thành ven biển quản lý 28 khu.
Tuy nhiên, hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão còn nhiều hạn chế, bấp cập trong quá trình hoạt động. Một trong những trở ngại đó chính là nhu cầu đầu tư cảng, khu neo đậu theo quy hoạch được duyệt rất lớn nhưng ngân sách nhà nước còn hạn hẹp đã không đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành. Theo Tổng cục Thủy sản, tổng vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước cho cảng cá giai đoạn 2011 – 2015 chỉ khoảng 1.900 tỷ đồng, đạt gần 32% so nhu cầu. Ngoài ra, tên gọi, chức năng nhiệm vụ, mô hình quản lý cảng cá không thống nhất trong toàn quốc (có nơi Ban Quản lý trực thuộc Sở NN&PTNT, có nơi trực thuộc UBND cấp huyện)…
Ông Ngô Thanh Liêm, Giám đốc Ban Quản lý cảng cá Lộc An, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đề xuất, Bộ NN&PTNT cần thống nhất quản lý về mặt nhà nước tất cả các cảng cá, để từ đó các tỉnh thành có căn cứ thực hiện nhất quán, tránh tình trạng lộn xộn như hiện nay. Mặt khác, rất nhiều cảng cá tại các địa phương đã được đầu tư xây dựng, tuy nhiên hệ thống công trình còn chắp vá, chưa đồng bộ, một số cảng thậm chí còn chưa có hệ thống xử lý nước thải, chất thải xả thẳng ra biển gây ô nhiễm môi trường, mùi hôi thối và ô nhiễm trầm trọng, đặc biệt là vào lúc thủy triều thấp.
Quản lý hải sản thông qua cảng cá
Các quy định về hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão được quy định tại điều 11, Luật Thủy sản 2017 (sửa đổi). Theo đó, ngư dân bắt buộc có thiết bị giám sát hành trình và ghi nhật ký khai thác. Ban Quản lý cảng cá sẽ chịu trách nhiệm thu nhận nhật ký khai thác hải sản của ngư dân, thống kê số lượng hải sản cập cảng, từ đó, thực hiện các bước truy xuất nguồn gốc. Ban Quản lý các cảng cá còn có quyền từ chối không cho bốc dỡ sản phẩm tại cảng đối với tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp, đồng thời, thông báo cho cơ quan thẩm quyền để xử lý theo quy định. Ngoài ra, các cảng cá còn có trách nhiệm phối hợp với các lực lượng chức năng để giám sát hoạt động của tàu cá trước khi rời cảng và cập cảng. Xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm vùng biển nước ngoài, vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, thời gian qua, việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá còn nhiều hạn chế, vai trò của cảng cá trong việc tham gia vào quản lý hoạt động khai thác thủy sản chưa rõ nét, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra là một trong số các nguyên nhân dẫn đến việc Ủy ban châu Âu (EU) đưa ra “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam. Hiện, Bộ NN&PTNT đang khẩn trương tham mưu cho Chính phủ ban hành các văn bản thi hành Luật Thủy sản, qua đó từng bước đưa ngành khai thác thủy sản Việt Nam phát triển bền vững, phù hợp với quy định và thông lệ quốc tế, các khuyến nghị của EC về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, an toàn thực phẩm và chống đánh bắt thủy, hải sản bất hợp pháp.
>> >> Đại diện các doanh nghiệp thủy sản cho biết, sẽ ký thỏa thuận hợp tác với các cảng cá để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc không thu mua, không chế biến và không xuất khẩu các mặt hàng thủy hải sản có nguồn gốc bất hợp pháp. Nhưng để hiệu quả, rất cần sự hợp tác của ngư dân, các địa phương và cơ quan chức năng. |
Bình luận gần đây