Thách thức cho tôm Việt Nam
Tôm Việt Nam cạnh tranh với nhiều “đối thủ” trên thị trường thế giới Ảnh: PTC
Cạnh tranh quyết liệt
Nếu vài chục năm trước, Việt Nam gần như chiếm lĩnh “độc quyền” cung cấp cho nhiều thị trường, thì ngày nay, ngành tôm thế giới đã có những chuyển biến mạnh mẽ từ khai thác sang nuôi trồng, do vậy rất nhiều nước đầu tư vào ngành tôm, đồng thời, nhu cầu tiêu thụ tôm ngày càng lớn, thúc đẩy các quốc gia phát triển nuôi tôm. Năm 2018 được các chuyên gia dự báo nguồn cung của thế giới sẽ ổn định và tăng vì Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc… đều đang từng bước khắc phục được các điểm yếu trong nuôi trồng, tăng tỷ lệ nuôi thành công và nguồn cung sẽ dồi dào hơn.
Năm 2018, theo dự báo của VASEP, xuất khẩu tôm của Việt Nam tăng khoảng 10% so năm 2017, có thể đạt mức 4,2 tỷ USD. Song, để đạt được mục tiêu này, có thể vấn đề sản lượng sẽ đóng vai trò quyết định, do dự báo giá tôm năm 2018 sẽ khó tăng do sản lượng tôm Ecuador, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ sẽ có mức tăng trưởng. Mặt khác, do nguồn cung các nước đều tăng, cũng như lượng tồn kho tại các nước hiện còn nhiều nên năm 2018 có thể giá bán sẽ không cao, người nuôi sẽ chịu nhiều áp lực về giá thành cũng như giá bán.
Mặt khác, theo ghi nhận, trong quý I/2018, giá tôm xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam giảm khoảng 5% so cùng thời điểm cuối năm 2017 rõ ràng cho thấy nguồn cung trên thị trường thế giới đang ở mức ổn định.
Các vụ kiện
Người xưa có câu: “Được vạ má đã sưng”, các vụ kiện chống phá giá đối với ngành tôm Việt Nam dù đối thủ thắng lợi hay thất bại cũng đều ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu và tiến độ của ngành tôm Việt Nam. Mỹ được xem là thị trường xuất hiện rất nhiều vụ kiện đối với ngành tôm nước ta thậm chí có nhiều giai đoạn đã làm cho các nhà xuất khẩu bi quan, thậm chí chuyển hướng sang các thị trường khác như Trung Quốc, Trung Đông… Tháng 3/2018, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã thông báo kết quả sơ bộ thuế chống bán phá giá cho tôm Việt Nam trong giai đoạn xem xét hành chính lần thứ 12 (POR12) từ 1/2/2016 – 31/1/2017 lên tới 25,39%. Phán quyết sơ bộ chỉ có tính chất tham khảo, chưa thực hiện, nhưng những vụ kiện khiến cho đối tác của Việt Nam e ngại.
Sản xuất gặp khó
Không chỉ đối diện với những trở ngại từ các thị trường xuất khẩu, vấn đề sản xuất của người nuôi tôm cũng gặp nhiều khó khăn đó là dịch bệnh, giá thành sản xuất…
Khảo sát các vùng nuôi tôm tại một số tỉnh khu vực ĐBSCL trong tháng 3/2018, theo chia sẻ của người nông dân tại đây là giá thành nuôi tôm đang tăng cao. Cụ thể là giá thuê đất tăng cao do quỹ đất ngày càng bị thu hẹp để dành cho phát triển hạ tầng, công nghiệp hóa, dịch vụ, bất động sản. Rất nhiều vùng nuôi thuận lợi đã và đang bị lọt vào “tầm ngắm” của các dự án ngoài ngành thủy sản. Chi phí nhân công, giống, thức ăn đều tăng.
Bên cạnh đó, khi mở rộng các vùng nuôi thì kéo tho đó là vấn đề ô nhiễm nguồn nước ngày càng trở nên nghiêm trọng. Trước kia người dân chỉ việc sử dụng nước tự nhiên đưa vào ao nuôi thì ngày nay đều phải đầu tư ao lắng, hệ thống lọc, khiến cho chi phí tăng cao.
Hay vấn đề về chất lượng tôm giống phục vụ sản xuất cũng là điều cần quan tâm, chú trọng. Khi mà, số lượng các cơ sở sản xuất tôm giống gia tăng nhưng chất lượng lại chưa đảm bảo, vẫn còn nhiều vụ vi phạm trong lĩnh vực này. Trong khi, đây là yếu tố quyết định lớn đến thành bại của người nuôi tôm.
Nhiều vùng nuôi chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng đảm bảo. Hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản chủ yếu vẫn dùng chung với hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, không phù hợp với yêu cầu kỹ thuật, hệ thống cấp thoát nước không đảm bảo, các vùng nuôi thâm canh không có ao xử lý nước nên dễ xảy ra dịch bệnh. Nguồn nước dễ bị ô nhiễm do quá trình sản xuất và sinh hoạt, thuốc bảo vệ thực vật từ sản xuất nông nghiệp. Công tác quan trắc, cảnh báo môi trường và dịch bệnh phục vụ nuôi tôm đã được 27/28 tỉnh ven biển triển khai nhưng nguồn kinh phí của một số địa phương còn hạn chế nên việc thực hiện quan trắc môi trường chưa đầy đủ, đặc biệt là tại các vùng nuôi quảng canh…
Có thể thấy rằng, ngành tôm Việt Nam hiện phải đối mặt với những khó khăn không nhỏ, rất cần có sự vào cuộc quyết liệt cùng với chiến lược phát triển hợp lý của toàn ngành.
>> Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký dự luật ngân sách 2018 trị giá 1,3 nghìn tỷ USD. Theo một điều khoản trong dự luật này, Cục Nghề cá biển Quốc gia (NMFS) sẽ có 9 tháng để áp dụng Chương trình Giám sát thủy sản nhập khẩu (SIMP) cho tôm và bào ngư. Theo đó, tôm nhập khẩu vào Mỹ sẽ phải tuân thủ các quy định mới về lưu trữ hồ sơ. |
Bình luận gần đây