Giải pháp khai thác thị trường Nhật Bản


Các mặt hàng thủy sản xuất khẩu chính của Việt Nam sang Nhật là tôm, mực, bạch tuộc, cá ngừ, cua, ghẹ

Quan hệ thương mại tăng

Tại Hội thảo xúc tiến hàng nông, thủy hải sản vào thị trường Nhật Bản tổ chức mới đây tại TP Cần Thơ, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng Quan hệ quốc tế của Cục Xúc tiến thương mại, cho biết, kim ngạch xuất khẩu hàng Việt vào thị trường Nhật tăng liên tục những năm gần đây, nhất là các mặt hàng chủ lực có thế mạnh như thủy sản, rau quả. Trong 7 tháng đầu năm 2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 20,93 tỷ USD, tăng 12,1% so cùng kỳ năm 2017. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản 10,42 tỷ USD, tăng 10,5 % so cùng kỳ năm 2017; riêng thủy sản đạt 734,5 triệu USD, tăng 4,1%.

Còn năm 2017, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước 33,4 tỷ USD, tăng 16,8% so năm 2016. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 16,8 tỷ USD, tăng 14,8% so với năm 2016; riêng thủy sản đạt 1,3 tỷ USD, tăng 18,6%.

Theo ông Hùng, các mặt hàng thủy sản xuất khẩu chính của Việt Nam sang Nhật là tôm, mực, bạch tuộc, cá ngừ, cua, ghẹ. Giữa hai nước đang thực hiện nhiều Hiệp định Thương mại tự do, đáng chú ý là Hiệp định Thương mại tự do song phương (VJEPA), có hiệu lực từ ngày 1/10/2009. Theo đó, trong 10 năm, Nhật Bản cam kết tự do hóa đối với 94,53% kim ngạch thương mại, còn Việt Nam là 87,66%. Cụ thể, hàng tôm, cua, ghẹ và một số sản phẩm cá được hưởng thuế suất 0% ngay khi VJEPA có hiệu lực. Những mặt hàng thủy sản còn lại có lợi ích xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, phía Nhật cũng giảm thuế từ mức bình quân 5,4% năm 2008 xuống 1,31% năm 2019.

Đẩy mạnh giao thương

Bên cạnh những thuận lợi, khó khăn lớn của hàng thủy sản Việt vào thị trường Nhật là những mặt hàng thế mạnh lại bị Nhật bảo hộ mạnh. Theo chia sẻ của ông Hùng, bên cạnh yêu cầu về chất lượng, vệ sinh ATTP đối với hàng nhập khẩu vào thị trường Nhật là rất cao. Hàng thủy sản: quy định kiểm soát tồn dư tối đa cho phép (MRL) đối với hóa chất, kháng sinh khá ngặt nghèo, đặc biệt các chất Ethoxyquin và Oxytetracycline đối với tôm đông lạnh.

Bà Trần Thùy Dung (Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản – Bộ NN&PTNT) đã giới thiệu thêm những quy định về vệ sinh kiểm dịch và ATTP khá ngặt nghèo của thị trường Nhật. Chẳng hạn, mức dư lượng hóa chất tối đa (MRLs) rất thấp cho 758 loại hóa chất nông nghiệp trong khoảng 10.000 MRLs chính thức hiện nay. Thực phẩm bị phát hiện vượt quá mức MRLs trong danh sách xác nhận là bị từ chối tại cảng nhập khẩu. Một hành vi vi phạm có thể dẫn đến việc tăng cường giám sát (khoảng 30%) tất cả các hoạt động nhập khẩu của cùng loại hàng hóa từ Việt Nam. Sau hai lần vi phạm vượt mức MRLs cụ thể, sản phẩm đó có thể phải theo lệnh yêu cầu giám định rất tốn kém, bị giữ lại và bị kiểm tra 100%.

Nhiều ý kiến thống nhất, để khai thác tiềm năng thị trường Nhật cho hàng thủy sản Việt thì không có con đường nào khác ngoài nâng cao chất lượng, đảm bảo ATTP. Đó cũng là con đường phát triển bền vững thủy sản Việt để mở rộng nhiều thị trường khác trên thế giới.

Một số đề xuất giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn là lập trung tâm phân tích, hỗ trợ chi phí lấy mẫu đảm bảo vệ sinh ATTP. Thu hút đầu tư của doanh nghiệp Nhật vào lĩnh vực sản xuất thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Giải pháp thứ hai cũng là con đường khá căn cơ để thúc đẩy phát triển hàng thủy sản Việt trong xu thế tiến vào công nghệ 4.0, bởi Nhật Bản có nền kinh tế phát triển, có kỹ thuật công nghệ cao.

Theo nhận định, các sản phẩm tôm chế biến sẵn với tính tiện dụng cao sẽ tăng trưởng tốt thời gian tới do ngành kinh doanh thực phẩm ăn sẵn của Nhật Bản phát triển khi số người độc thân gia tăng, tỷ lệ nội trợ giảm. Bên cạnh đó, đồng Yên Nhật tăng giá, tạo thuận lợi cho xuất khẩu. Các doanh nghiệp chế biến Việt Nam gia tăng chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm để tận dụng cơ hội thị trường.

Tính đến cuối tháng 3/2018, Nhật Bản có gần 3.700 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký gần 50 tỷ USD, đứng thứ 2 trong 116 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào nước ta. Nhiều dự án của Nhật Bản đã hoàn thành, đưa vào khai thác rất hiệu quả, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam. Bên cạnh, Nhật Bản là quốc gia viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho Việt Nam, chiếm khoảng 30% tổng cam kết ODA của cộng đồng quốc tế.

>> Hiện Việt Nam là nước xuất khẩu tôm lớn nhất tại thị trường Nhật Bản, với thị phần 27%, đặc biệt đối với sản phẩm tôm sơ chế lột vỏ để đuôi, tôm nguyên liệu đông lạnh.

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *