Quảng Ngãi: Phục hồi nước mắm truyền thống Đức Lợi


Nghề làm nước mắm Đức Lợi bằng thủ công, giữ nguyên vị mặn của cá tươi được ủ muối. Ảnh: Nguyễn Trang

Phục hồi nghề truyền thống

Đức Lợi nằm ở hạ du sông Vệ, nơi đây cửa biển, tàu thuyền ra vào neo đậu. Từ bao đời này người dân Đức Lợi sống nhờ nghề đánh bắt hải sản ven bờ. Từ con cá biển, người dân Đức Lợi mở rộng làm thêm nghề nước mắm, sản phẩm được chở đi bán khắp các vùng trong ngoài tỉnh. Năm 2009, nước mắm Đức Lợi được công nhận làng nghề chế biến nước mắm truyền thống.

Hằng năm, từ tháng Giêng đến tháng Tư là mùa có gió Nam, cá cơm cá nục theo dòng biển đổ về các ven bờ, cũng là mùa mà người dân Đức Lợi “mở nghề” làm nước mắm; nguyên loại là các loại cá cơm than, cá cơm quế. Trước đây, người dân làng Đức Lợi lấy nguồn cá chủ yếu từ Cửa Lở, hiện nay, người làm mắm mua cá từ khắp các cảng Sa Kỳ, Nghĩa An, Tịnh Kỳ… trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Nước mắm được ủ liên tiếp 10 – 12 tháng, theo tỷ lệ 3 ang cá là 1 ang muối, số lượng muối cá lên đến vài tấn. Vị nước mắm mặn, lượng đạm cao. Người làm nước mắm dùng cho gia đình thì cho vào lu, thạp làm bằng gốm sứ Sài Gòn, người làm số lượng lớn thì cho vào các thùng phi, thùng gỗ lớn, phần đáy khoét một lỗ nhỏ gắn một ống trúc vào và bịt kín. Người ủ mắm khi đến công đoạn “tháo lù” là rút nước mắm nhỉ, để cho ra nước mắm nguyên chất thơm ngon.

Xây dựng thương hiệu chung

Chị Nguyễn Thị Thanh (xã Đức Lợi, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi) có hơn 30 năm gắn bó nghề làm nước mắm, cho biết: “Có thời điểm nước mắm ế ẩm nên tôi phải dừng lại rồi làm nghề chài lưới mưu sinh. Nhưng 3 năm gần đây, thị trường khởi sắc, người dùng quay lại với nước mắm truyền thống, họ thích vị nước mắm mặn mà hơn nước mắm công nghiệp, nên tôi bán hàng rất chạy”. Chị Thanh phân phối nước mắm nguyên chất đến khắp các tỉnh, thành, các bạn hàng ở tận TP. Hồ Chí Minh cũng đến nhà tìm chị để mua.

Mỗi năm chị Thanh xuất bán 30 – 40 phi nước mắm (bán nguyên thùng), trung bình mỗi phi khoảng 200 lít, giá bán 4 triệu đồng/phi, nước mắm ủ bằng nguyên liệu cá cơm. Riêng nguyên liệu cá nục thì giá 3 – 3,5 triệu đồng/phi. Gia đình chị Thanh hành nghề biển, mỗi lần thuyền về cá đầy khoang, chị đều đem cá tươi đi ủ muối, vì cá rất tươi nên mắm làm ra có vị mặn mà.

Chị Võ Thị Hồng Diễm (xã Đức Lợi, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi), cho biết: “Mặc dù hàng bán lẻ thì giảm, nhưng bán sỉ cho các nơi lại tăng hơn, bạn hàng cũng đi Lâm Đồng, Đắk Nông, TP. Hồ Chí Minh các mối buôn lớn bán chạy hàng”. Nước mắm Đức Lợi phải ủ đến 12 tháng mới bán mắm, do vậy, nước mắm nguyên chất và mặn nồng hơn, được nhiều người ưa chuộng. Mỗi năm, chị Diễm bán ra 20 phi mắm, mỗi phi khoảng 150 lít, tính ra 50.000 đồng/lít, người làm mắm theo hình thức “gối đầu” luân phiên nhau để đến mỗi tháng đều có mắm giao hàng.

Ông Lê Văn Tiếp, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Lợi, cho biết, thị trường nước mắm truyền thống có xu hướng tăng nên người làm mắm gắn bó trở lại với nghề. Tuy nhiên, để làng nghề hưng thịnh thì trước hết cần xây dựng khu hậu cần nghề cá, tàu thuyền ra vào Cửa Lở đảm bảo an toàn, như vậy, cá về đều đặn thì nghề làm mắm mới phát triển.

Cái khó của nhãn hiệu nước mắm Đức Lợi hiện nay là mỗi cơ sở ở xã Đức Lợi tự đặt tên cho hàng hóa mà không có tên chung như các cơ sở nước mắm Đức Lợi Hồng Út, nước mắm Phát Hải, nước mắm Bảy Hiền… thậm chí còn in các mẫu mã khác cạnh tranh. “Hiện nay có hơn 20 hộ làm nghề mắm truyền thống, sắp tới UBND xã sẽ thành lập các tổ sản xuất và chế biến nước mắm theo từng nhóm, cứ mỗi nhóm gồm 3 hộ với nhau theo các khâu sản xuất, chế biến, xuất bán”, ông Tiếp nói. Qua đó, đưa các sản phẩm gần với người tiêu dùng với thương hiệu Nước mắm Đức Lợi.

>> Toàn xã Đức Lợi có hơn 20 cơ sở chế biến nước mắm nổi tiếng như Hồng Út, Đức Hải, Phát Thu, Bảy Hiền, Hà Hảo… tại các làng An Chuẩn và Kỳ Tân. Ưa chuộng nhất là nước mắm nhỉ, mắm đục, mắm mực…

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *