Sản lượng nuôi trồng thủy sản vượt sản lượng đánh bắt: Tín hiệu tích cực
FAO dẫn một báo cáo có tiêu đề “Ấn bản năm 2024 về Thực trạng Khai thác và Nuôi trồng Thủy sản Thế giới (SOFIA)” cho thấy, sản lượng khai thác từ nuôi trồng thủy sản trên toàn cầu trong năm 2022 đạt 223,2 triệu tấn, tăng 4,4% so với năm 2020. Đây cũng là lần đầu tiên, sản lượng nuôi trồng thủy sản đã vượt sản lượng đánh bắt, trở thành nguồn sản phẩm động vật thủy sản chính vào năm 2022.
Chắn sao nuôi trồng trồng thủy sản trên phá. Ảnh: Aquaculture
Ông Manuel Barange – Giám đốc Cơ quan Nông nghiệp và Ngư nghiệp (thuộc FAO) nhận định, thông tin từ báo cáo SOFIA là một “kết quả tích cực” khi sản lượng thủy sản tiếp tục gia tăng mà không gây ảnh hưởng đến môi trường biển. Sản lượng thủy sản khai thác trên biển hiện chiếm chưa đầy 40% tổng sản lượng của toàn ngành.
Theo báo cáo của FAO, 10 quốc gia bao gồm: Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ, Bangladesh, Philippines, Hàn Quốc, Na Uy, Ai Cập và Chile – chiếm hơn 89,8% tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản của thế giới.
Có thể thấy, giảm sản lượng thủy sản đánh bắt, tăng sản lượng nuôi trồng là xu hướng chung của thế giới. Ngành thủy sản Việt Nam đang đi đúng hướng khi điều chỉnh giảm dần sản lượng khai thác, tăng sản lượng nuôi trồng và triển khai mạnh các giải pháp để tăng giá trị sản phẩm thủy sản nói chung.
Số liệu từ Cục Thủy sản cho biết, tính đến hết tháng 12/2023, tổng sản lượng thủy sản đạt 9,269 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2022. Trong đó, khai thác thủy sản đạt 3,861 triệu tấn, tương đương với năm 2022; nuôi trồng thủy sản đạt hơn 5,408 triệu tấn, tăng 3,5% so với năm 2022.
Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực gỡ “thẻ vàng” IUU, thắt chặt các quy định của pháp luật trong lĩnh vực khai thác thủy sản, để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng ngành thủy sản cần tiếp tục giảm khai thác, tăng nuôi trồng thủy sản, phát triển kinh tế thủy sản theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm thủy sản. Đây không chỉ là yêu cầu của thị trường trong nước mà còn là xu hướng thị trường tiêu dùng thế giới trong thời gian tới.
Cảnh Nghi
Bình luận gần đây