Xuất khẩu cá ngừ 2013: Sức nặng con số 600 triệu USD!

Giá trị xuất khẩu tăng hơn 50%

Số liệu của Vasep cho thấy: Năm 2011, tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) cá ngừ đạt 379,364 triệu USD, chiếm 6,3% trong cơ cấu sản phẩm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam với 83 thị trường. Năm nay, giá trị XK fillet cá ngừ của Việt Nam 10 tháng đạt 166,271 triệu USD, tăng 134,48% so với cùng kỳ năm 2011. Riêng từ 1/1/2012 đến 15/11/2012, tổng giá trị XK cá ngừ đạt 502,789 triệu USD tăng 54,2 % so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo dự báo, XK cá ngừ của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng vượt xa năm 2011. Mỹ và Italy vẫn là 2 thị trường nhập khẩu (NK) cá ngừ nhiều nhất, Tây Ban Nha cũng trở thành thị trường lớn thứ 3 NK cá ngừ Việt Nam; đặc biệt, giá trị nhập khẩu cá ngừ Việt Nam của Bồ Đào Nha tăng hơn 357% so với cùng kỳ. Giá trị XK cá ngừ sang Hàn Quốc, Tây Ban Nha và Tunisia cũng tăng trưởng gần 800 lần.

Theo ông Vũ Đình Đáp, Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam, sản lượng cá ngừ khai thác năm nay ước đạt 14 – 15 nghìn tấn. Đây là loài cá có giá trị kinh tế cao trong các mặt hàng XK thủy sản hiện nay, do nguồn cầu của thế giới vẫn rất lớn. Trong khi tất cả các mặt hàng XK như mực, ghẹ, cá thu xuống giá và sản lượng giảm thì chúng ta tăng cường đầu tư vào cá ngừ với số tàu đánh bắt tăng thêm từ 20 – 30%.

Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe cũng cho rằng, năm nay, sản lượng khai thác tự do trong dân tăng mạnh do: Một số quốc gia giảm đánh bắt, tăng cường NK từ các nước khác trong đó có Việt Nam, và một số thị trường chuyển gia công chế biến vào Việt Nam, các DN Việt Nam NK nhiều và lại XK những sản phẩm đó ra thị trường.

 

Còn khó khăn

Cũng theo VASEP, nguồn nguyên liệu cá ngừ nội địa đạt chuẩn không đáp ứng đủ nhu cầu của DN chế biến nên buộc các DN phải nhập khẩu. Tuy nhiên, những thủ tục NK nguyên liệu cho chế biến quá phức tạp, khiến các DN chế biến cá ngừ XK gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, khai thác cá ngừ hoàn toàn dựa vào khai thác tự nhiên nên sản lượng, chất lượng và giá thành không ổn định, vì vậy khả năng tăng trưởng của sản phẩm này vẫn bị hạn chế. Sản phẩm cá ngừ của Việt Nam năm tới có nguy cơ đối mặt với Ecuador – quốc gia có nhiều ưu thế trong XK cá ngừ sang các nước EU. Mặt khác, cá ngừ XK của nước ta vẫn chủ yếu dưới dạng fillet, dạng chế biến đông lạnh vẫn chiếm tỷ lệ rất thấp.

Năm 2012, Việt Nam khai thác 14 – 15 nghìn tấn cá ngừ – Ảnh: Phan Thanh Cường

Ông Vũ Đình Đáp cho biết thêm: Sản phẩm cá ngừ của Việt Nam khi XK thường gặp khó khăn về rào cản về kỹ thuật; cạnh tranh với nước ngoài cũng bị thất thế. Bởi vì nhà NK đưa ra các tiêu chuẩn nguồn gốc con cá ngừ khai thác ở đâu, điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm như nào mà hiện ta chúng ta vẫn khai thác tự do…

Sản lượng cá ngừ khai thác tăng, nhưng cách khai thác bằng đèn cao áp của bà con có nguy cơ đe dọa đến chất lượng và trữ lượng cá, ảnh hưởng đến việc bảo tồn nguồn lợi lâu dài. Chất lượng cá thấp hơn cách khai thác truyền thống khiến giá bán giảm từ 170.000/kg xuống còn 83.000 – 85.000 đồng/kg.

 

Giữ mạch xuất khẩu

Theo Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam, dự báo năm 2013, cá ngừ XK của Việt Nam cũng tăng theo tỷ lệ của năm nay. Tuy nhiên, trong xu hướng phát triển đó cũng cần phải có hệ thống chính sách của nhà nước hỗ trợ; chú trọng bảo quản sau thu hoạch, tăng cường liên kết giữa người sản xuất và người tiêu thụ.

Bên cạnh đó, cần xây dựng kế  hoạch quản lý cá ngừ theo chuỗi, từ điều tra nguồn lợi đến khai thác, chế biến, XK. Biện pháp trước mắt, cần xây dựng lộ trình khai thác đạt tiêu chuẩn theo chứng chỉ MSC (đảm bảo được khai thác từ một ngư trường bền vững, được quản lý tốt và được khai thác một cách có trách nhiệm) gắn với việc hiện đại hóa đội tàu cho ngư dân…

>> Theo Tổng cục Thủy sản: Nếu ngành cá ngừ được đầu tư hơn và định hướng một cách đúng đắn, sản lượng đánh bắt và khối lượng XK sẽ không chỉ dừng ở chục nghìn tấn và trăm triệu USD như hiện nay, mà có thể đạt kết quả cao hơn.

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *