Bài học nào từ Hàn Quốc?

Ông Nguyễn Ngọc Hải – Chủ nhiệm HTX Thủy sản Thới An (Cần Thơ): HTX Việt Nam: “cái xác thiếu hồn”

Quan hệ sản xuất ở nước ta đang kìm hãm năng lực phát triển của lực lượng sản xuất. Ở Hàn Quốc, tất cả các loại hình kinh tế thủy sản đều hoạt động theo mô hình HTX. Phương thức này có nhiều ưu điểm mà khi ứng dụng nó Nhà nước sẽ quản lý tốt về mọi phương diện: hoạch định, tổ chức sản xuất, điều tiết sản lượng, chất lượng hàng hóa, chính sách giá cả… và đương nhiên là phải kèm theo nhiều chính sách hỗ trợ.

HTX ở Việt Nam đa phần chỉ là cái xác mà thiếu cái hồn, không có pháp nhân đầy đủ để hỗ trợ nhiều mặt cho xã viên khi cần. Tuy vậy, những HTX làm ăn được ở nước ta chỉ thua các doanh nghiệp nhà nước về tiêu chí giàu sang, nhưng lại hơn hẳn ở chỗ đàng hoàng về tài chính.

Mô hình HTX ở Hàn Quốc rất phù hợp nếu được đem về áp dụng thí điểm cho nghề nuôi cá tra ở vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều băn khoăn, bởi lẽ, mô hình này phải được xây dựng trên hàng loạt những chính sách cần thiết. Trước mắt, cần tháo gỡ vốn cho người sản xuất, chế biến xuất khẩu… bằng cách cho vay theo khung lãi suất ưu đãi, dù mức lãi suất hiện tại đã giảm còn khoảng 12%. Bên cạnh đó, cần thiết triển khai quy hoạch và kiểm tra việc thực hiện quy hoạch để kiểm soát tốt hơn về chất lượng, sản lượng nguyên liệu, cũng như hoạt động chế biến và chất lượng sản phẩm xuất khẩu.

 

Ông Nguyễn Hữu Nguyên – Chủ nhiệm HTX Thủy sản Châu Phú (An Giang): HTX Hàn Quốc chịu trách nhiệm đầu ra

Đối với công nghệ của Hàn Quốc thì còn lâu nước mình mới đuổi kịp! Hàn Quốc có thể đặt lồng nuôi thủy sản cao cấp ngay trên mặt biển mà không hề sợ bão nhờ vào những trang bị kỹ thuật hiện đại.

Kinh tế thủy sản Hàn Quốc thiên về đánh bắt và nuôi trồng các loại rong biển phục vụ công nghệ chế biến các sản phẩm cao cấp. Do vậy, họ đánh thuế 50% giá xăng dầu và dùng nguồn thu này hỗ trợ lại cho ngư dân. Tuy nhiên, muốn được hưởng hỗ trợ từ những chính sách này, người sản xuất phải là xã viên của các HTX có quy mô theo quy định. Lãi suất vay vốn tín dụng của xã viên HTX bằng khoảng 50% các khách hàng khác. Nhưng nếu xã viên không đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng, HTX sẽ cho vay tín chấp với lãi suất thấp hơn ngân hàng, với mục tiêu giúp xã viên.

Xã viên HTX ở Hàn Quốc muốn bán được sản phẩm làm ra phải thông qua HTX, bởi vì không nhà thương mại nào chấp nhận giao dịch với cá nhân. Điều này đồng nghĩa với việc, HTX chịu trách nhiệm đầu ra cho sản phẩm của xã viên, đổi lại, sản phẩm bán ra, xã viên phải chịu phí ủy thác 4,5% để tạo nguồn vốn lưu động cho HTX.

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *