Xuất khẩu thủy sản 2013: Mục tiêu đầy áp lực

Khó khăn lớn hơn cả đối với ngành thủy sản trong năm tới chính là thiếu vốn cho sản xuất – Ảnh: Trần Quang Tuấn

Con tôm chịu quá nhiều áp lực

Kế hoạch đề ra năm 2012, kim ngạch xuất khẩu thủy sản phấn đấu đạt được mức 6,5 tỷ USD song mục tiêu này đã không thực hiện được. Kết thúc năm 2012, kim ngạch xuất khẩu của ngành này chỉ ở mức 6,2 tỷ USD. Và con số 6,5 tỷ USD là con số được ngành thủy sản tiếp tục đặt ra cho năm nay. Mục tiêu đặt ra là thế, nhưng ngay từ những tháng đầu tiên của quý I năm 2013 này, xuất khẩu thủy sản đã gặp nhiều bất lợi. Đặc biệt, khó khăn rõ nhất thể hiện ở con tôm và cá tra.

Năm 2012, riêng đối với con tôm, đây là năm khó khăn chồng chất khó khăn. Ngoài những nguyên nhân dịch bệnh khiến diện tích nuôi tôm bị thu hẹp, thì việc Nhật Bản và Mỹ đưa ra những rào cản kỹ thuật đang là một trở ngại khiến con tôm xuất khẩu lao đao.

Số liệu của VASEP cho thấy, năm 2012, xuất khẩu tôm của Việt Nam dù có mặt ở 92 thị trường trên thế giới nhưng kim ngạch cũng chỉ đạt 2,23 tỷ USD, giảm 6,6% so với năm 2011. Riêng đối với thị trường Mỹ, năm qua, Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này khoảng  40.879 tấn tôm, là nhà cung cấp lớn thứ 5 nhưng sản lượng tôm vào Mỹ năm qua cũng đã giảm tới gần 9,50% so với năm 2011 (năm 2011, xuất khẩu tôm vào thị trường này đạt 45.162 tấn).

Bộ NN&PTNT cho biết, kế hoạch thả nuôi vụ tôm nước lợ năm 2013 khoảng 655.000 ha. Song, những mối lo về dịch bệnh vẫn đang hiện hữu. Những lo ngại về khan hiếm nguồn nguyên liệu cho xuất khẩu vẫn đang khiến các DN ngành tôm đau đầu. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh xuất khẩu thủy sản trên thế giới ngày một gay gắt hơn, trong đó Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ có xu hướng hạ giá bán sản phẩm tôm, Bangladesh bắt đầu thúc đẩy sản xuất tôm thẻ chân trắng… tạo vô vàn thách thức lên mặt hàng tôm xuất khẩu của nước ta. Chưa hết, tại thị trường Nhật Bản, vấn đề Ethoxyquin và tại Mỹ, những “âm mưu” nhằm đánh trùng thuế hai lần đối với con tôm Việt Nam… đang là những áp lực lớn đè nặng lên các DN xuất khẩu tôm sang các thị trường này. 

 

Cá tra cũng lao đao

Theo VASEP, sản lượng cá nuôi quý I có thể chỉ đạt khoảng 100.000 – 150.000 tấn, giảm 30 – 50% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến giữa tháng 1/2013, giá trị xuất khẩu cá tra mới chỉ đạt 63,38 triệu USD, giảm 20,7% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều thị trường lớn như như: EU, Mỹ, ASEAN, Mexico, Brazil… đều giảm mạnh nhu cầu nhập khẩu. Dự báo xuất khẩu mặt hàng này trong quý I chỉ đạt khoảng 230 – 250 triệu USD, giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Cũng theo nhận định của Vasep, mặc dù hiện tại Việt Nam vẫn là nước sản xuất và xuất khẩu lớn nhất thế giới, song Thái Lan, Phillipines và nhiều nước khác đang tích cực đầu tư vào việc nuôi, xuất khẩu cá tra để sẵn sàng cạnh tranh với Việt Nam. Do đó, đây tiếp tục là những thách thức không nhỏ đối với DN chế biến và xuất khẩu cá tra trong thời gian tới. 

 

Năm 2013, dự báo xuất khẩu thủy sản tiếp tục gặp khó khăn – Ảnh: Hoàng Long

Đặc biệt, ngày 21/2 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã tổ chức cuộc điều trần trong khuôn khổ đợt xem xét hành chính lần thứ tám về chống bán phá giá cá tra, cá ba sa của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này. Dự kiến, DOC sẽ có phán quyết về việc lựa chọn nước thứ ba làm căn cứ tính giá và tính thuế chống bán phá giá vào 14/3/2013. 

Hiện nay, Mỹ là thị trường xuất khẩu cá tra, cá basa lớn thứ 2 của Việt Nam. Năm 2012, giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt được 1,8 tỷ USD thì kim ngạch xuất khẩu cá tra vào thị trường Mỹ đạt hơn 358 triệu USD, chiếm khoảng trên 20% trong tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam. Không ít lần các DN sản xuất và chế biến cá da trơn của Mỹ đã cố tìm mọi cách để ngăn cản các DN Việt Nam thâm nhập thị trường nước này, và việc áp cho DN cá tra Việt Nam cái tiếng “bán phá giá” cũng là một trong những cách làm khó cho con cá tra của Việt Nam. 

Theo các chuyên gia trong ngành, hành động này của Mỹ sẽ gây nên nhiều mối nguy cho ngành nuôi trồng, chế biến cá tra và cá ba sa của Việt Nam, vì nó có thể làm tăng thuế suất lên cao gấp hàng chục lần trong khi các DN xuất mặt hàng này vào Mỹ trong năm 2012 chỉ chịu thuế suất rất thấp là 0% – 1%.

Ngoài những khó khăn nói trên, các chuyên gia ngành thủy sản cho rằng, khó khăn lớn hơn cả đối với ngành thủy sản trong năm tới vẫn chính là thiếu vốn cho sản xuất. Bởi vậy, rất cần sự chung tay của Nhà nước chia sẻ với những khó khăn của DN ngành thủy sản trong thời gian tới để mục tiêu đạt kim ngạch 6,5 tỷ USD không bị đổ bể thêm một lần nữa.

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *