Cá tra đạt chứng nhận ASC có giá 12 euro/kg trong hệ thống bán lẻ tại Đức

Người tiêu dùng nước này cũng ưa chuộng cá tra philê đông lạnh hơn cá tra philê bao bột. 

Cá tra đạt chứng nhận ASC có giá 12 euro/kg trong hệ thống bán lẻ tại Đức

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, XK cá tra Việt Nam sang Đức tháng 1/2013 đạt 5,9 triệu USD, tăng 35,7% so với tháng 1/2012. Đây là điểm đáng ghi nhận khi nhìn lại năm 2012,  XK cá tra sang Đức  liên tục giảm trong suốt 12 tháng, trong đó có một số tháng giảm trên 50%. Tại Đức, ước tính khoảng 70-75% khối lượng cá tra được tiêu thụ tại phân khúc bán lẻ và 25-30% khối lượng còn lại được bán trong phân khúc dịch vụ thực phẩm.

Trong các năm trước đây, XK cá tra sang Đức liên tục tăng nhưng bắt đầu sụt giảm từ giữa năm 2010 đến nay khi một số phương tiên truyền thông của Đức bêu xấu cá tra Việt Nam đã khiến người tiêu dùng nước này mất niềm tin vào cá tra, đồng thời một số tập đoàn bán lẻ cũng tạm ngừng NK và cung cấp cá tra trong mạng lưới siêu thị.

Hình ảnh cá tra hiện vẫn chưa được cải thiện cũng như chưa có đầu tư quảng cáo cho sản phẩm cá tra tại thị trường này. Theo các nhà NK Đức, việc lấy lại hình ảnh đẹp của cá tra trong con mắt người tiêu dùng Đức rất quan trọng nhằm khôi phục vị trí của cá tra trên thị trường này.

Chính vì vậy, việc quảng bá chứng nhận bền vững ASC cũng như sản phẩm cá tra đạt ASC là rất cần thiết, trong đó cần nhấn mạnh ASC là tiêu chuẩn tự nguyện áp dụng đối với người nuôi cá, xoay quanh các vấn đề về môi trường và xã hội như: pháp lý, sử dụng đất và nước, ô nhiễm nước và kiểm soát chất thải, di truyền và đa dạng sinh học, kiểm soát thức ăn, kiểm soát sức khỏe cá nuôi, thuốc thú y và hóa chất, trách nhiệm với người lao động và cộng đồng xung quanh.

Việc tăng cường quảng bá thương hiệu ASC là một trong những yếu tố góp phần làm cho người tiêu dùng, nhà NK chú ý nhiều hơn tới những phát triển tích cực trong sản xuất ban đầu đối với sản phẩm cá tra. Vì vậy, trung tuần tháng 2 vừa qua, Hội đồng Quản lý Nuôi trồng Thủy sản (ASC) Đức đã tổ chức Lễ ra mắt chứng nhận bền vững ASC cho sản phẩm cá tra tại Hamburg, Đức. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Phạm Anh Tuấn và Tổng Thư ký VASEP Trương Đình Hòe và đại diện WWF Việt Nam đã tham dự buổi lễ này.

Tính đến cuối tháng 2/2013, đã có 14 DN cá tra đạt chứng nhận ASC, trong đó có 8 DN nhận chứng nhận từ cuối năm 2012, với sản lượng chiếm khoảng trên 10% tổng sản lượng cá tra của cả nước. Ngoài ra, còn có 5 trại nuôi cá tra đang trong quá trình thẩm định để được chứng nhận ASC. Dự kiến năm 2015, sản lượng cá tra đạt tiêu chuẩn này sẽ chiếm khoảng 50% tổng sản lượng của cả nước. 

Sản phẩm đạt chứng nhận bền vững đang ngày càng gia tăng trong phân khúc bán lẻ tại thị trường Đức. Theo dự báo của CBI, về lâu dài các nhà bán lẻ tại Đức nói riêng và Châu Âu nói chung sẽ chỉ bán cá tra đạt chứng nhận ASC.

Cũng giống như phân khúc bán lẻ, phân khúc dịch vụ thực phẩm cũng rất quan tâm tới sản phẩm bền vững. Một số tập đoàn lớn đã có trên 80% sản phẩm thủy sản đạt chứng nhận. Tất cả các tập đoàn đều cho rằng họ quan tâm tới sản phẩm cá tra đạt chứng nhận ASC và muốn có nguồn cung sản phẩm này.

Ngành nuôi và chế biến cá tra Việt Nam đã qua thời kỳ phát triển bùng nổ và đang gặp nhiều khó khăn. Để khôi phục và phát triển bền vững ngành, cần phải tìm hướng đi mới, đặc biệt trước mắt cần chú ý giảm sản lượng nuôi và thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng cũng như gia tăng giá trị của sản phẩm. Các nhà NK cho rằng cá tra chỉ có thể có giá cao nếu đạt chất lượng tốt và nhu cầu tiêu thụ trên thị trường lớn hơn nhiều so với nguồn cung cấp.

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *