Nuôi tôm rừng ngập mặn: “Bài toán khó” cho nhiều quốc gia
Mất rừng do nuôi tôm
Thế giới hiện có khoảng 181.000 km2 diện tích rừng ngập mặn (RNM), thuộc hơn 100 quốc gia; trong đó, Indonesia chiếm 21%, Brazil 9%, Úc 7%. Một nghiên cứu của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cho biết, 1/5 (35.000 km2) diện tích RNM của thế giới đã biến mất, kể từ năm 1980. Hơn 50% RNM đã bị phá bỏ, riêng khu vực châu Á – Thái Bình Dương có tốc độ phá rừng hàng năm 1% và đang được chú trọng xem xét để có biện pháp bảo tồn. Malaysia mất 12% RNM từ năm 1980 đến 1990; Thái Lan mất 50% từ năm 1975 đến 1991.
Các trang trại nuôi tôm đang phá vỡ nhiều khu RNM
Nguyên nhân chính dẫn đến việc phá RNM ở nhiều nước là do sự phát triển các trang trại nuôi tôm. Philippines mất 67% RNM từ 1951 đến 1988, trong đó sự phát triển các ao nước lợ chiếm một nửa. Ở Việt Nam, tổng cộng có 102.000 ha RNM đã được chuyển đổi thành các trang trại nuôi tôm từ năm 1983 đến 1987. Hơn 180.000 ha ao tôm ở Ecuador (năm 1996) và hơn 1/3 trong tổng số 11.500 ha của trang trại nuôi tôm ở Honduras đã được phát triển trong RNM. Tại Thái Lan, trong số 204.000 ha RNM bị mất từ năm 1961 đến 1993, có 32% được chuyển đổi thành trang trại nuôi tôm.
Bên cạnh đó còn có nhiều nguyên nhân trực tiếp khác tác động đến việc phá hủy RNM, như: khai thác quá mức tài nguyên rừng ở nhiều địa phương; chuyển sang các hoạt động quy mô lớn (nông, lâm nghiệp, khai thác muối, phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng). Đó là chưa kể các nguyên nhân gián tiếp khác làm suy thoái hệ thống RNM, bao gồm: chuyển hướng thượng nguồn dòng nước ngọt; sự suy giảm chất lượng nước do các chất gây ô nhiễm (kim loại nặng, sự cố tràn dầu, thuốc trừ sâu…) và các chất dinh dưỡng.
Chọn lối nào?
Mark Spalding, một nhà khoa học thuộc Hội Bảo tồn thiên nhiên thế giới cho biết: “Vai trò RNM ngày càng được khẳng định. RNM cực kỳ có giá trị và sẽ còn đứng vững với thời gian”. Bảo tồn sự đa dạng môi trường RNM là cần thiết để duy trì hoạt động bền vững liên quan những người sống gần rừng và phụ thuộc sự sống còn của rừng.
Bản đồ các khu vực RNM chính và ngư trường khai thác tôm ở khu vực Đông Nam Á
Ngoài vai trò là lá chắn bảo vệ bờ biển, RNM còn làm giảm tác động của sóng thần Ấn Độ Dương năm 2004 và góp phần quan trọng phát triển kinh tế của người dân địa phương. Theo ước tính của Liên hợp quốc, các loài ngập mặn liên quan 30% tổng thu nhập ngành đánh bắt cá và gần 100% của ngành đánh bắt tôm ở Đông Nam Á. RNM và các loài liên quan tại Queensland (Australia) mang đến 75% thu nhập ngành thủy sản thương mại.
Trong khi đó, lợi ích mà ngành công nghiệp tôm nuôi mang lại rất lớn, khoảng 60 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, với tốc độ mở rộng quá nhanh, ngành tôm nuôi đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đến RNM. Các đầm tôm đã làm tăng sự ô nhiễm môi trường lên nhiều lần. Chất thải từ đầm tôm làm chết nhiều loại thủy sản trong vùng, phá hủy các rạn san hô và cỏ biển. Các loại kháng sinh dùng cho tôm cũng diệt luôn hàng loạt loài vi sinh vật hữu hiệu ở biển và tạo ra hiện tượng kháng thuốc tràn lan…
Trên thực tế, nuôi tôm và RNM có thể kết hợp với nhau. RNM là yếu tố trung hòa và tiêu hủy cao chất thải của khu nuôi tôm. Sự kết hợp này sẽ mang lại nhiều lợi ích: có được nhiều sản phẩm là tôm, cây rừng và rất nhiều cây, con sống trong rừng… Sự kết hợp hài hòa giữa việc giữ RNM và tổ chứa nuôi tôm là yếu tố sống còn, nhưng làm được điều này không dễ.
Quỹ Công lý Môi trường (EJF) cho biết, thay cho các hệ thống thâm canh, nông dân nên áp dụng các phương pháp nuôi tôm bền vững hơn, chẳng hạn như đa canh. “Đa canh” là phương pháp canh tác truyền thống ở châu Á, nuôi trồng một số loài cùng nhau trên một diện tích nước, giúp hạn chế nguy cơ dịch bệnh và đối phó điều kiện thị trường thay đổi. Bên cạnh đó, nên xây dựng mô hình “trang trại hữu cơ”, chủ trang trại phải cam kết sử dụng các loại hợp chất không độc hại, thay cho thuốc trừ sâu, phân bón hóa học và kháng sinh, đồng thời giảm thức ăn làm từ cá.
>> Những con số biết nói: – Giá trị RNM bảo vệ bờ biển ở một số nơi trên thế giới được ước tính khoảng 300.000 USD/km, căn cứ vào chi phí xây dựng bờ/kè nhân tạo (Othman, 1994). – Ở Phillippines, ước tính mất đi một ha RNM đồng nghĩa mất đi 1.000 kg sản lượng cá hằng năm. – Trồng 12.000 ha RNM tiêu tốn 1,1 triệu USD nhưng tiết kiệm được 7,3 triệu USD duy tu đê biển (Reid and Huq, 2005). |
Bình luận gần đây