Cơn khát vốn sắp qua?!

Doanh nghiệp loay hoay

Năm 2013 được nhận định còn nhiều khó khăn đối với ngành thủy sản. Bên cạnh các vấn đề thị trường thu hẹp, rào cản thương mại gia tăng…, thiếu vốn cũng khiến DN chế biến và xuất khẩu thủy sản đau đầu. Chính sách gỡ khó về vốn cho DN đã bàn nhiều, nhưng để thực sự đi vào cuộc sống vẫn còn khoảng cách khá xa.

Theo ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, thiếu vốn sản xuất cùng lãi suất vay ngân hàng cao là khó khăn lớn nhất đối với sản xuất và tiêu thụ thủy sản nói chung, cá tra nói riêng trong năm 2012. Quý 2 và 3/2012, lãi suất vay 15 – 24%/năm nên hầu hết DN phải thu hẹp quy mô sản xuất, phá sản hoặc cận kề phá sản. Đối với người nuôi, hoạt động nuôi cá tra đòi hỏi vốn đầu tư 6 – 10 tỷ đồng/ha, nhưng do tài sản đã thế chấp ngân hàng cộng với thua lỗ những vụ trước nên không thể tiếp tục vay vốn tái sản xuất, đành phải “treo ao”…

Thực tế, khó khăn về vốn của DN thủy sản không phải đến bây giờ mới bộc phát. Năm 2011 – 2012, vấn đề này đã được nêu tại không ít kỳ họp Quốc hội, Chính phủ, ngân hàng, cũng như ngành thủy sản. Nhưng khó khăn chồng chất khó khăn; doanh nghiệp chưa vượt qua được các rào cản thị trường thì những khó khăn về nguyên liệu, vốn… cộng lại, vắt kiệt sức, khiến không ít DN bị xô đến bờ vực phá sản.

Hiện, các DN xuất khẩu thủy sản vẫn khó tiếp cận nguồn vốn – Ảnh: Lê Công Hân

Thời điểm này, chính sách cho vay vốn của không ít ngân hàng đã cởi mở hơn; lãi suất đã giảm đáng kể so giữa năm 2012. Tuy nhiên, những quy định về thời hạn vay, tài sản thế chấp… đang gây trở ngại mới trong tiếp cận vốn tín dụng. Nếu trước đây người nuôi cá chủ yếu là các hộ nông dân, DN chỉ tập trung chế biến và xuất khẩu, thì đến nay, sau một thời gian thả nuôi thua lỗ, nhiều hộ đã phải “bỏ hầm, treo ao”. Khâu nuôi trồng thủy sản đã được nhiều DN triển khai, nhằm tự đảm bảo nguyên liệu xuất khẩu.

“Để cùng lúc làm tốt cả 3 khâu nuôi trồng – chế biến – xuất khẩu, DN cần nhiều vốn, nhất là vốn cho nuôi cá tra có thời gian 7 – 8 tháng theo vụ nuôi. Tuy nhiên, ngân hàng vốn quen cho DN vay ngắn hạn phục vụ chế biến và xuất khẩu, thường chỉ 2 – 4 tháng, khiến DN gặp không ít khó khăn”, lãnh đạo một DN thủy sản chia sẻ.

 

Ngân hàng vào cuộc

Ngay những ngày đầu năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu.

Theo Nghị quyết này, một trong 8 vấn đề lớn thuộc nhóm giải pháp về vốn và tín dụng là tiếp tục hạ mặt bằng lãi suất tín dụng phù hợp mức giảm lạm phát; có biện pháp hỗ trợ và tăng tín dụng đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn, DN vừa và nhỏ, DN sản xuất hàng xuất khẩu, DN công nghiệp hỗ trợ. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ gia hạn thời hạn cho vay ngắn hạn bằng ngoại tệ đối với DN xuất khẩu đến hết 31/12/2013.

Chính phủ cũng chỉ đạo Ngân hàng Phát triển Việt Nam tiếp tục cho các DN có nhu cầu vay vốn để mua thức ăn chăn nuôi thủy sản phục vụ xuất khẩu theo cơ chế vay vốn tín dụng xuất khẩu của Nhà nước và xem xét gia hạn thời gian vay vốn tối đa 12 – 36 tháng (tổng thời gian vay vốn tối đa 36 tháng) đối với khoản vay vốn tín dụng xuất khẩu của Nhà nước cho nhóm hàng thủy sản. Đây là giải pháp tích cực, kịp thời từ phía Chính phủ, để hỗ trợ DN thủy sản lấp đi khoảng trống trong xuất khẩu ngay từ đầu năm.

Bên cạnh các ngân hàng cho vay theo chủ trương của Chính phủ, các ngân hàng Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank… hiện cũng chủ động đưa ra những gói tín dụng với lãi suất khá ưu đãi dành cho DN xuất khẩu, trong đó có DN thủy sản.

Trong bối cảnh đầu ra tín dụng của ngân hàng đang gặp không ít khó khăn, tín dụng hai tháng đầu năm tăng trưởng âm 0,16% là nỗi lo không chỉ của DN mà của chính ngân hàng. Bởi thế, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, nhiều ngân hàng đã chủ động đưa ra các gói tín dụng với chính sách ưu đãi về thuế, phí. Một số ngân hàng cho biết, các DN xuất khẩu, trong đó có DN thủy sản được ngân hàng ưu tiên hàng đầu không hẳn vì thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, mà quan trọng hơn, đây là nhóm khách hàng an toàn, tín dụng ít rủi ro hơn.

Có thể thấy, các chính sách nhằm khơi thông dòng vốn tín dụng cho ngành thủy sản đã bước đầu phát huy tác dụng. Nhiều DN đã tiếp cận được vốn với lãi suất hợp lý hơn. Tuy nhiên, để thực sự giải quyết được khó khăn, vấn đề không chỉ ở vốn. Cần có sự quyết liệt hơn trong các giải pháp về giống, thức ăn, kiểm soát dịch bệnh… Đặc biệt, việc ổn định thị trường xuất khẩu là cực kỳ quan trọng, đảm bảo kim ngạch xuất khẩu; đồng thời, tạo sự thông suốt cho hoạt động DN, từ đó tạo niềm tin cho ngân hàng trong cung ứng vốn.

>>  Cuối tháng 2/2013, tại hội nghị về sản xuất, tiêu thụ lúa và thủy sản ĐBSCL, nhiều ý kiến khẳng định vấn đề “nóng” đối với sản xuất, chế biến và xuất khẩu thủy sản năm 2013 là khâu vốn. Nếu không sớm cơ cấu lại nguồn vốn thì cả người nuôi lẫn DN đều khốn đốn. Bên cạnh đó, việc thẩm định giá trị đất nuôi cá theo khung giá cũ và chưa phân định rõ đất nông nghiệp với đất nuôi thủy sản, dẫn đến giải ngân thấp; ngân hàng cần tính lại để cung ứng vốn hiệu quả.

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *