Châu Âu thờ ơ với cá rô phi
Thành công tại Mỹ
Cá rô phi có nhiều ưu điểm: nguồn cung lớn, hương vị nhẹ, dễ chế biến, dễ cấp đông, rã đông, giá phải chăng. Đồng thời, nếu xét góc độ sản xuất, cá rô phi được nuôi bền vững, sử dụng ít thức ăn là cá biển, tăng trưởng nhanh và khỏe mạnh. Có lẽ chính những đặc điểm này đã mang lại thành công cho cá rô phi trên thị trường Mỹ.
Năm 2000, cá rô phi chưa xuất hiện trong danh sách 10 loài thủy sản được tiêu thụ hàng đầu tại Mỹ. Năm 2002, loài cá này mới bắt đầu lọt vào top 10, và từ đó đến nay không ngừng thăng hạng.
Nhập khẩu cá rô phi của Mỹ của Mỹ 2003 – 2009
Theo Hiệp hội Thủy sản Mỹ (NFI), năm 2011, với mức tiêu thụ bình quân 1,287 pound/người, cá rô phi đứng thứ 5 trong top 10 loài thủy sản được ưa chuộng nhất của Mỹ, tụt 1 bậc so năm 2010. Tuy nhiên, theo dự đoán, năm 2015 cá rô phi sẽ leo đến vị trí thứ 2 hoặc 3 trong bảng xếp hạng, và năm 2020 có thể thành mặt hàng thủy sản số một tiêu thụ tại Mỹ.
Khó bán ở EU
Năm 2011, Mỹ nhập khẩu 192.000 tấn cá rô phi, trong khi EU chỉ gần 20.700 tấn. Khoảng cách này được dự báo còn lớn hơn, khi thống kê chính thức năm 2012 được công bố.
Fillet cá rô phi
Có hai nguyên nhân chính khiến cá rô phi không mấy thành công ở châu Âu. Thứ nhất, xét về giá cả, cá rô phi đắt hơn nhiều so với cá tra. Thứ hai, trong 10 năm qua, nhiều sản phẩm rô phi trên thị trường bị phát hiện chất lượng thấp.
Rudi Lamprecht, người sáng lập Công ty Regal Springs (nhà sản xuất cá rô phi lớn nhất thế giới) cho rằng hầu hết các sản phẩm cá rô phi có nguồn gốc Trung Quốc và 90% trong số đó thật khủng khiếp cả về hình thức lẫn mùi vị; ngoài ra, thị trường châu Âu rất quan tâm đến giá. Cá tra đã rất thành công do có giá tốt, thịt trắng và hình thức hấp dẫn.
Doanh nhân Thụy Sĩ Lamprecht thành lập Regal Springs năm 1988. Hiện, Regal Spring sản xuất khoảng 100.000 tấn cá rô phi/năm; trong đó, xuất khẩu khoảng 1.200 tấn cá đông lạnh và 750 tấn cá tươi sang Mỹ, nhưng chỉ 250 tấn sang châu Âu.
Cần nhiều thời gian
Châu Âu là thị trường tiềm năng lớn, nhưng đến nay vẫn còn nhiều hạn chế so với thị trường Mỹ, do quá quan tâm vấn đề dư lượng kháng sinh trong sản phẩm và việc sản xuất sao cho không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Ví dụ, việc sản xuất và bán các loại hormone cho cá rô phi đơn tính được Mỹ cho phép với giới hạn nhất định, nhưng bị cấm ở một số nước châu Âu.
EU chỉ tiêu thụ 20.698 tấn cá rô phi trong năm 2011
Các nước Bắc Âu là thị trường cởi mở nhất nhưng nhập khẩu cá rô phi cũng không cao, nhất là Anh. Năm 2011, Anh nhập khẩu chưa đến 675 tấn cá tươi và đông lạnh. Công ty Regal Springs đã chọn Công ty TNHH Continental Seafoods (Continental Seafoods Ltd) là nhà phân phối mới tại Anh của cá rô phi đông lạnh dán nhãn chứng nhận ASC từ Indonesia. Giám đốc Continental Seafoods Ltd, Kit Smith cho rằng trước đây cá rô phi không thành công lớn bởi không ai đủ tận tâm cống hiến và thời gian để tạo ra thị trường. Ông tin, thời gian tới, loài cá này sẽ tìm được vị trí khả quan.
Tuy nhiên, năm 2014 rô phi sẽ gặp thêm trở ngại, do Iceland tăng hạn ngạch khai thác cá tuyết lên 196.000 tấn, Na Uy và Nga lên 1 triệu tấn. Sản lượng tăng khiến giá cá tuyết sẽ giảm trong năm tới; điều này sẽ thu hút người tiêu dùng Anh, bởi người Anh đã quen cá tuyết, cá hồi. Theo ông Richard Clarke, quản lý vùng nuôi của Công ty The Fish (The Fish Co), người Anh thường biết về cá tuyết, cá tuyết chấm đen, cá hồi, nhưng chưa thực biết cá rô phi.
Tương lai rất có thể cá rô phi sẽ phổ biến ở Anh nói riêng, châu Âu nói chung, nhưng dường như thành công đang ở cuối đoạn đường dài và hành trình mới chỉ bắt đầu.
>> Năm 2011, EU nhập khẩu 20.698 tấn cá rô phi, tăng 1% so năm 2010. Trong đó, Trung Quốc, nhà cung cấp cá rô phi hàng đầu vào EU giảm gần 3% so năm 2010; trái lại, nhập khẩu từ các nhà cung cấp châu Á khác lại tăng (Việt Nam tăng 160%, Đài Loan 13,4%, Indonesia 9%). (Theo Globefish.org) |
Bình luận gần đây