Xuất khẩu cá tra có thêm thị trường mới
Những khó khăn của thị trường xuất khẩu truyền thống khiến các doanh nghiệp chuyển hướng sang các thị trường mới đầy tiềm năng.
Đầu năm 2013, giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) dao động ở mức 19.000 – 22.500 đồng/kg, thấp hơn rất nhiều so với mức giá 26.000 – 28.500 đồng/kg của cùng kỳ năm ngoái. Giá cá tra tiếp tục duy trì đến nay cho dù kết quả cuối cùng đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá cá tra Việt Nam lần 8 giai đoạn từ 1/8/2010 đến 31/7/2011 (POR8) của Bộ Thương mại Hoa Kỳ với mức thuế cao gấp 25 – 45 lần so với POR7 gây bất lợi cho xuất khẩu cá tra vào thị trường này. Nhiều doanh nghiệp nhận định, mức giá cá tra hiện nay sẽ tiếp tục duy trì đến hết quý II/2013.
Thị trường truyền thống của xuất khẩu cá tra Việt Nam gặp khó nên doanh nghiệp chuyển sang các thị trường mới
Đối với hoạt động xuất khẩu, tính đến hết quý I/2013, giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam chỉ đạt 388,4 triệu USD, giảm 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, hai thị trường chính nhập khẩu cá tra Việt Nam là Mỹ và EU (chiếm 43% sản lượng) có giá trị nhập khẩu lần lượt giảm 11% và 15%. Ngoài ra, các thị trường chính khác của cá tra Việt Nam cũng giảm mạnh nhập khẩu như: Mexico giảm 24%, Colombia giảm 21%…
Hiện nay, khủng hoảng kinh tế tại các nước EU vẫn chưa phục hồi nên nhu cầu tiêu thụ chưa được cải thiện. So với năm ngoái, giá trị xuất khẩu sang thị trường EU sụt giảm không nhiều nhưng lại giảm đáng kể so với các năm trước. Theo số liệu thống kê của VASEP, quý I/2013, giá trị xuất khẩu cá tra vào EU đạt 95,3 triệu USD, giảm 15,3% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó Tây Ban Nha – quốc gia nhập khẩu nhiều nhất cá tra trong khối EU, đạt giá trị nhập khẩu 21,5 triệu USD, giảm 11,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đến thời điểm này, Mỹ vẫn là thị trường đơn lẻ nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, xuất khẩu cá tra sang thị trường này đã chững lại trong quý I/2013, thậm chí sụt giảm mạnh trong tháng 2 và tháng 3. Tính đến hết quý I/2013, xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt giá trị 72,4 triệu USD, giảm 11,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện nay, Hải quan Mỹ tạm dừng thu thuế với mức giá cao của kỳ POR8 đến khi Tòa án Thương mại quốc tế Mỹ (CIT) có phán quyết cuối cùng về đơn kiện của Việt Nam. Từ đầu năm đến nay, giá cá tra philê đông lạnh tại Mỹ có xu hướng tăng nhưng vẫn giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 4 tháng đầu năm 2013, giá cá tra philê đông lạnh cỡ 5-7 oz dao động trong khoảng 1,7 – 1,8 USD/pao, giảm so với mức giá 1,9 -1,96 USD/pao của cùng kỳ năm ngoái.
Nguy cơ khác cho xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường Mỹ là chương trình thanh tra cá da trơn của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) vẫn còn đó bất chấp nhiều ý kiến phản đối từ chính giới kinh doanh, người đứng đầu ngành thủy sản và một số thành viên của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa Mỹ. Nhiều doanh nghiệp nhận định, nếu chương trình thanh tra cá da trơn vẫn được tiến hành thì xuất khẩu cá tra vào thị trường Mỹ sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Những khó khăn của thị trường tiêu thụ cá tra tại các nước phát triển khiến các doanh nghiệp phải mở rộng thị trường sang các nước có nền kinh tế mới nổi với sức tiêu thụ và khả năng nhập khẩu cao. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn môi trường cũng ngày càng được các thị trường chú ý nhiều hơn. Ấn Độ là một trong những thị trường mới đầy tiềm năng hiện nay.
Trong 3 năm gần đây, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Ấn Độ tăng mạnh do cá tra được ưa chuộng tại các nhà hàng tại nước này. Cụ thể là XK cá tra sang Ấn Độ đã tăng mạnh trong những năm gần đây vì mặt hàng này đang là món ăn được ưa chuộng trong các nhà hàng tại Ấn Độ. Nguyên nhân là do cá tra có nguồn cung lớn, có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon nhưng giá cả chỉ bằng một nửa so với nhiều loài cá tại Ấn Độ.
Bình luận gần đây