Xuất khẩu cá tra ngày càng giảm

Theo nhiều doanh nghiệp, năm nay tiếp tục là một năm khó khăn đối với cá tra cũng như cá thịt trắng tại thị trường EU, trong khi sức tiêu thụ tôm và cá hồi đang hồi phục. Mặt khác, việc tăng hạn ngạch khai thác cá tuyết khiến nguồn cung sản phẩm này ngày càng nhiều, dẫn đến giá giảm và tác động lên giá một số loài cá thịt trắng khác, trong đó có cá tra. Xu hướng giảm giá này vẫn tiếp tục trong năm 2013. Cá tuyết haddock giảm giá 24,2%, còn 1.420 USD/tấn; cá tuyết lục giảm 18,5%, còn 2.005 USD/tấn.

Các doanh nghiệp XK cá tra vào Mỹ cũng đang lao đao khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố thuế chống bán phá giá tăng cao đột ngột từ 25 đến 45 lần so với đợt xem xét trước đó. Theo quyết định của DOC, hầu hết các công ty bị đơn trong POR8 đều bị tăng mức thuế chống bán phá giá từ 0,35 USD/pound (0,77 USD/kg) lên 0,58 USD/pound (1,29 USD/kg), tăng khoảng 65% so với mức ban đầu. Riêng 2 bị đơn bắt buộc là Công ty CP Vĩnh Hoàn vẫn giữ nguyên mức thuế 0,19 USD/kg, còn Việt An (Anvifish) lại bị tăng thuế từ 1,34 USD/kg lên 2,39 USD/kg, tức tăng gần 80%.

Với quyết định này, cá tra Việt Nam gần như không còn cơ hội XK vào Mỹ. Bởi nếu muốn có lời thì các doanh nghiệp phải cộng thêm 1,29 – 2,39 USD/kg vào giá bán 2,8 – 3 USD/kg trước đây, nhưng điều này gần như không thể. Thực tế cũng cho thấy, dù các doanh nghiệp đã nỗ lực đàm phán để nâng giá cá tra bán vào Mỹ nhưng giá bán cũng chỉ đạt ở mức 3,4 – 3,5 USD/kg.

Hiện có 8 doanh nghiệp cá tra Việt Nam thoát thuế chống bán phá giá trong POR8 và được xem là “người thay thế” trong XK cá tra vào thị trường Mỹ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này cũng phải trả 2% giá trị nhập khẩu trong POR8 theo thỏa thuận trước đó với với Hiệp hội Chủ trại nuôi cá nheo Mỹ (CFA). Hơn nữa, theo một số thông tin thì CFA đang yêu cầu các doanh nghiệp này phải trả một lượng tiền lớn hơn rất nhiều trong POR9 tới, nếu muốn tiếp tục được miễn xem xét hành chính.

Cùng đó, vị trí “độc tôn” của cá tra Việt Nam trên thị trường thế giới đang bị đe dọa. Theo VASEP, vừa qua Bộ Thương mại và Công nghiệp Philippines (DTI) đã đầu tư 650 triệu peso để đưa ngành cá tra nước này đạt giá trị 945 triệu peso vào năm 2016 và tiến tới giảm nhập khẩu cá tra. Philippines đặt ra mục tiêu cho ngành cá tra nội địa là mở được 15 thị trường mới và tạo mối liên kết với 8 thị trường, phát triển 38 sản phẩm mới; trong đó có 26 thực đơn, 22 sản phẩm giá trị gia tăng, 3 thương hiệu cho cá tra (La Pangga, Santa marta và Carm Foods).

Đáng chú ý hơn, theo Tổng cục Nuôi trồng thủy sản Indonesia (DGFC), nước này đang xây dựng kế hoạch đẩy mạnh sản xuất cá tra, nhằm trở thành nước sản xuất cá tra hàng đầu thế giới. Cá tra cũng được Bộ Hàng hải và Nghề cá Indonesia (MMAF) coi là một trong những mặt hàng chủ chốt trong ngành nuôi trồng thủy sản. 

Để vực dậy ngành cá tra, theo ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, cần phải có giải pháp đồng bộ; trong đó một số vấn đề cần chú ý: Nuôi cá tra phải có điều kiện, mua bán phải có hợp đồng chặt chẽ, được kiểm soát chất lượng; phải xây dựng giá sàn nguyên liệu, giá sàn xuất khẩu để người nuôi có lãi; doanh nghiệp không được bán phá giá.

>>Theo VASEP, xuất khẩu cá tra Việt Nam tháng 4/2013 đạt giá trị 146,3 triệu USD, tăng 1,8% so cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tính chung 4 tháng đầu năm 2013, xuất khẩu cá tra giảm 6% so cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt giá trị 534,8 triệu USD.

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *