Đẩy mạnh xuất khẩu hàng giá trị gia tăng: Lối thoát trong khủng hoảng

Lời giải cho bài toán nâng cao hiệu quả xuất khẩu thủy sản phụ thuộc vào chính các doanh nghiệp (DN) chế biến, xuất khẩu. Việc đầu tư công nghệ, cùng với quá trình tìm kiếm thị trường sẽ là thách thức không nhỏ, đòi hỏi sự năng động, quyết tâm của từng DN…

 

Từ xu hướng của thị trường…

Xu hướng sản xuất sản phẩm chế biến sẵn, giá trị gia tăng (GTGT) ngày càng chiếm ưu thế và có vai trò dẫn dắt thị hiếu tiêu dùng trên quy mô toàn cầu. Đây là mục tiêu mà hầu hết các nhà sản xuất và xuất khẩu thủy sản đang hướng đến. Trên con đường tìm kiếm thị trường của mình, thủy sản Việt Nam cần xem đây là một cơ hội tốt để tìm lối thoát trong khủng hoảng.

Thực tế, thị trường của sản phẩm thủy sản chế biến sẵn, GTGT thể hiện rõ những đặc điểm của mình ở những nước tiêu thụ lớn, nhất là tại Mỹ, Nhật Bản, EU. Trong các thị trường đó, EU tập hợp nhiều nhà bán lẻ có tiếng thế giới và dẫn đầu về sức tiêu thụ. Tiêu thụ thủy sản tiếp tục tăng trưởng ở các thị trường lớn, với nguồn cung ngày càng nhiều từ nhập khẩu. Tiêu thụ trung bình tính theo đầu người sẽ tăng. Tuy nhiên, đang có xu hướng tập trung vào một số không nhiều loài thủy sản chất lượng (tôm, nghêu, sò, cá hồi, ngừ, da trơn, tuyết, minh thái).

Để nâng cao giá trị xuất khẩu, thủy sản Việt Nam cần tập trung hàng GTGT –  Ảnh: CTV

Lối sống công nghiệp đang chi phối thói quen ăn uống của nhiều người và điều kiện kinh tế hạn chế làm cho người tiêu dùng hướng tới những mục tiêu thực tế hơn đối với thực phẩm, ngoài thú vui thưởng thức ẩm thực và khám phá cái mới. Người tiêu dùng chú trọng nhiều đến tính tiện dụng, tiết kiệm thời gian; tiếp đến là chất lượng tốt và bổ dưỡng, đồng thời bao gói tiện dụng cũng như trọng lượng vừa đủ khẩu phần ăn.

Thực tế này đòi hỏi các DN phải có tư duy thích ứng xu thế mới của thị trường. Việc chuyển từ xuất khẩu sản phẩm thô sang các mặt hàng GTGT là yêu cầu bắt buộc, giúp DN Việt Nam cạnh tranh được với các nước xuất khẩu thủy sản hàng đầu, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản tăng lên.

Mới đây, trong đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, vấn đề thay đổi tư duy sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản nói chung, thủy sản nói riêng theo hướng nâng cao GTGT và phát triển bền vững, nhằm mục tiêu duy trì tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất, chất lượng và giá trị; đáp ứng tốt hơn nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu… đã được đặt ra như một yêu cầu cấp thiết. Đây sẽ là tiền đề, động lực, cũng là yêu cầu bắt buộc đối với ngành thủy sản trong tương lai.

 

Yêu cầu thay đổi

Vài năm lại đây, các DN chế biến thủy sản đã bắt đầu chú trọng nghiên cứu, chế biến các mặt hàng GTGT. Một số DN lớn đã triển khai nhiều kế hoạch, dự án đổi mới trang thiết bị công nghệ, đa dạng hóa mẫu mã, mặt hàng; tập trung vào sản phẩm tinh chế có GTGT cao, nhằm giảm lượng nguyên liệu nhưng vẫn đảm bảo doanh thu, lợi nhuận.

Một trong những DN tiêu biểu sản xuất hàng tinh chế là Công ty CP đông lạnh Quy Nhơn. Từ năm 2010 đến nay, Công ty tập trung sản xuất các mặt hàng tinh chế, ăn liền cao cấp như tôm sú hấp, tôm thẻ hấp, tôm sú luộc đông lạnh, tôm thẻ luộc đông lạnh… xuất khẩu. Hiện, Công ty có khoảng 30 mặt hàng tinh chế, dạng hàng siêu thị ăn liền được sản xuất từ dây chuyền công nghệ mới, hiện đại, chủ yếu cung cấp cho các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Mỹ, Australia và các nước châu Á. DN này cũng đã ký hợp đồng với một số khách hàng mới, sản xuất các mặt hàng GTGT cao, cung cấp thẳng đến siêu thị. Nhờ đó, những năm gần đây, dù ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng kinh tế nhưng kim ngạch xuất khẩu của DN này vẫn tăng mạnh. Lãnh đạo Công ty khẳng định, trong định hướng phát triển, DN sẽ nâng dần tỷ lệ các mặt hàng tinh chế xuất khẩu để thích ứng thị trường.

Theo các DN chế biến thủy sản xuất khẩu, để tạo ra kim ngạch xuất khẩu như nhau, so với chế biến sản phẩm thô, việc chế biến sản phẩm tinh chế tiết kiệm được khoảng 40% lượng nguyên liệu, giá bán cao hơn 40 – 50%, nên lợi nhuận thu về cao hơn. Bên cạnh đó, sản xuất hàng tinh chế còn hạn chế được lượng chất thải nên giảm thiểu ô nhiễm môi trường… Rõ ràng, trong bối cảnh khó khăn về nguồn nguyên liệu ngày càng tăng, sự thu hẹp thị trường xuất khẩu là thách thức lớn… thì việc đẩy mạnh các sản phẩm GTGT là yêu cầu cấp thiết, không chỉ giúp DN vượt qua khó khăn trước mắt, mà còn là xu hướng phát triển mạnh trong tương lai.

>> Theo các chuyên gia kinh tế, để sản xuất kinh doanh ổn định, cùng với việc đẩy mạnh sản xuất hàng tinh chế, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản cần chủ động gắn kết giữa chế biến với xây dựng vùng nguyên liệu, đẩy mạnh liên kết theo hợp đồng giữa nhà máy với người khai thác, nuôi trồng thủy sản.

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *