Cá tra vẫn nhiều bất ổn
Chất lượng thấp
Đáng lo ngại nhất, cá tra xuất khẩu Việt Nam đang bị một số thị trường áp đặt rào cản thương mại và kỹ thuật. Cơ quan Nhà nước về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật Ukraine đã quyết định đình chỉ nhập khẩu cá tra do phát hiện một số lô nhiễm vi sinh hiếu khí và kỵ khí tuỳ nghi vượt quá giới hạn cho phép theo quy định của nước này. Mức thuế chống bán phá giá cao theo phán quyết POR8 của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) thì vẫn dựng cửa ải khó qua cho 17 doanh nghiệp bị đơn.
Một số thị trường nước ngoài áp đặt rào cản thương mại và kỹ thuật khiến doanh nghiệp xuất khẩu cá tra gặp khó
Bộ Công thương cho biết, 6 tháng đầu năm 2013, xuất khẩu cá tra đạt 858 triệu USD, tăng 0,53% so cùng kỳ năm 2012. Thị trường EU giảm sâu với 15,6%, một số thị trường tăng khá là Mỹ tăng 16,4%, ASEAN 16,8%, Trung Quốc và Hồng Kông 13,2%. Xuất khẩu cá tra ngày càng khó khăn do giảm tiêu thụ toàn cầu. Vùng ĐBSCL có trên 70 doanh nghiệp chế biến cá tra nhưng theo Bộ NN&PTNT, sản phẩm xuất khẩu chủ yếu vẫn là cá tra fillet; các sản phẩm giá trị gia tăng, sản phẩm chế biến sâu chỉ chiếm khoảng 5%.
Người nuôi cá tra tiếp tục lỗ nặng do gía bán thấp mà giá nguyên liệu đầu vào tăng. Theo Bộ NN&PTNT, giá thức ăn tăng 300 – 500 đồng/kg, thuốc thú y tăng bình quân 10%, xăng dầu cũng tăng nên giá thành cá tra nguyên liệu ở mức 20.000 – 24.500 đồng/kg. Còn giá bán, đầu năm nay ở mức 20.000 – 21.000 đồng/kg, nhiều lúc dưới 20.000 đồng/kg. Người sản xuất giống cũng lỗ nặng khi giá cá tra bột giảm 30 – 50%, giá cá tra giống giảm 3.000 – 5.000 đồng/kg so năm 2012.
Tất cả những điều trên dẫn đến hậu quả đáng lo ngại hơn: chất lượng giống giảm. Bộ NN&PTNT cho biết: “Chất lượng cá tra bố mẹ không cao, phát triển tự phát, người nuôi ít có kinh nghiệm trong làm giống cá tra, yếu tố môi trường không thuận lợi nên chất lượng con giống không cao và tỷ lệ sống thấp”. Chất lượng giống thấp lại phát sinh nhiều bệnh và một số nơi có tỷ lệ hao hụt cả vụ nuôi đến 20 – 55%.
Nhiều việc phải làm
Giữa những khó khăn về thị trường thì tình hình sử dụng vốn cũng làm cho khó khăn căng thẳng thêm. Ngân hàng Nhà nước cho biết: “Nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản đã sử dụng vốn không đúng mục đích, vay vốn ngắn hạn để đầu tư trung, dài hạn, dẫn đến gặp khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng và làm nợ xấu của lĩnh vực này có xu hướng tăng”.
Ảnh: Lê Công Hân
Khi nhìn thẳng vào thực trạng, các cơ quan quản lý đã khá thống nhất trong giải pháp tháo gỡ khó khăn. Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước và các địa phương đều nhấn mạnh công tác quy hoạch, kế hoạch về nuôi trồng và chế biến thuỷ sản. Bộ Công thương đề cập việc kiểm tra, giám sát để nâng cao quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Các bộ và địa phương cũng nhấn mạnh việc hoàn thiện dự thảo nghị định quản lý sản xuất và tiêu thụ cá tra để tạo khuôn khổ pháp lý cho công tác điều hành theo hướng hiệu quả, đảm bảo lợi ích các bên tham gia chuỗi giá trị. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước nêu cụ thể năm hướng nghị định đạt được: “1/Quản lý chặt chẽ các đầu mối xuất khẩu, tránh tình trạng cạnh tranh không làm mạnh. 2/Quản lý chất lượng nuôi cá và xây dựng thương hiệu cho cá tra Việt Nam. 3/Tăng cường tính liên kết giữa người nuôi và các cơ sở chế biến xuất khẩu, tạo chuỗi liên kết bền vững. 4/Kiểm soát giá thức ăn cho cá và từng bước thay thế thức ăn nhập khẩu bằng chế biến từ nguồn nguyên liệu trong nước. 5/Khuyến khích các doanh nghiệp chủ động về vùng nguyên liệu để đảm bảo nguồn thức ăn chăn nuôi”.
Bộ Công thương dự báo: Nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp thì năm nay cá tra xuất khẩu có thể đạt 1,75 tỷ USD, xấp xỉ năm 2012.
>> 6 tháng đầu năm 2013, toàn vùng ĐBSCL thả nuôi 4.341 ha cá tra, giảm 4,1%. Chi phí đầu vào tăng mạnh khiến giá thành cá tra lên tới 20.000 – 24.500 đồng/kg. |
Bình luận gần đây