Bà Riạ – Vũng Tàu: Xuất khẩu gặp nhiều khó khăn
Cụ thể, trong 8 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu toàn địa bàn thực hiện trừ dầu khí đạt khoảng 1.278 triệu USD, đạt 51,87% kế hoạch năm và bằng 78,39% so với cùng kỳ. Cụ thể, trong nhóm công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp và nhóm hàng hóa khác, tháp gió giảm tới 90,5%; túi xách giảm 33,49%; sắt thép giảm 19,67%; da thuộc giảm 15,5%; vải giả da giảm 12,55%. Trong nhóm nông sản, duy nhất cao su có lượng xuất khẩu tăng 18,41%; còn lại dầu điều giảm 45,72% so cùng kỳ; nhân điều giảm 29,51%. Nhóm thủy sản giảm 12,24%.
Về giá, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có xu hướng giảm nhẹ. Riêng mặt hàng điều thì giá tăng, đặc biệt là dầu điều tăng khá cao. Xét về thị trường, khu vực châu Á giảm 12,91% so cùng kỳ; khu vực châu Âu giảm 38,38%; thị trường châu Mỹ giảm 28,52%. Riêng các thị trường khác như: châu Úc, châu Phi… thì tăng mạnh với 240,5%. Tuy nhiên, tỷ trọng kim ngạch từ thị trường này thấp, chỉ chiếm 4,4% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh nên không mấy cải thiện chỉ tiêu xuất khẩu của tỉnh.
Theo thống kê của tỉnh, tình hình xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm nay rất khó khăn. Khó khăn nhất là ngành thủy sản do nguyên liệu khan hiếm, nguồn thu mua chỉ đáp ứng được 30-40% nhu cầu, giá bán ra thấp, trong khi đầu vào tăng cao. Ngành hạt điều cũng khó do mất mùa, còn cao su gặp khó do giá giảm cộng với thời tiết không thuận lợi, khiến sản lượng đạt thấp. Các ngành: Vật liệu xây dựng, cơ khí, may mặc… cũng có những khó khăn đặc thù, thiếu vốn. Riêng đối với mặt hàng tháp gió, hiện gần như mất hẳn thị trường Mỹ nên tình hình sẽ còn rất khó khăn. Từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp sản xuất tháp gió đã phải chuyển sang gia công một số mặt hàng cơ khí khác để không lãng phí thiết bị, nhà xưởng, và tạo việc làm cho lao động.
Ông Hồ Văn Niên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhận định, tình hình xuất khẩu năm nay của tỉnh dự báo không hoàn thành kế hoạch xuất khẩu đề ra. Ông đã đề nghị, trong những tháng cuối năm, các doanh nghiệp xuất khẩu cần nỗ lực tìm kiếm thị trường mới; Chỉ nhập khẩu những mặt hàng thiết yếu và những thiết bị công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng… Riêng ngành thủy sản cần tập trung khai thác nguồn nguyên liệu tại thị trường nước ngoài để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời, tăng tỷ trọng tinh chế để tăng giá trị hàng hóa. Đối với cơ quan Nhà nước tùy theo chức năng của mình cũng cần nghiên cứu tổ chức kịp thời các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp. Riêng Sở Công thương tỉnh cần tích cực thực hiện các chương trình, cung cấp thông tin về thị trường xuất khẩu, dự báo tình hình thị trường hàng hóa trong nước và thế giới cung cấp cho doanh nghiệp
Bình luận gần đây