Việt- Nhật: Thúc đẩy hợp tác nông, lâm thủy sản
Đó là mong muốn của Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại buổi tiếp và làm việc với Chủ tịch Ủy ban Nông lâm ngư nghiệp Nhật Bản và đoàn công tác chiều ngày 9/9.
Nới lỏng rào cản kỹ thuật
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), từ năm 1993 đến nay, Nhật Bản luôn là thị trường lớn nhất của thủy sản Việt Nam, chiếm tỉ trọng bình quân 26% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản hàng năm. Các sản phẩm thủy sản Việt Nam mà thị trường Nhật Bản ưa chuộng là tôm, mực, bạch tuộc, cá ngừ.
Tuy nhiên, những năm gần đây, DN xuất khẩu thủy hải sản Việt Nam liên tiếp vấp phải hàng rào kỹ thuật và quy định về kiểm dịch động thực vật ngày càng khắt khe của thị trường Nhật, chủ yếu là về hóa chất kháng sinh như Chlramphenicol, Trifluralin, Ethoxyquine…
Giữa tháng 5/2012, Nhật Bản đã quyết định kiểm tra tăng ethoxyquin với tần suất 30% các lô tôm NK từ Việt Nam ở mức giới hạn 0,01ppm. Rào cản này đã khiến tôm Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này liên tục sụt giảm từ giữa năm 2012.
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị “Việt Nam và Nhật Bản cần có biện pháp cụ thể để tiến hành xây dựng cơ chế chính sách thông qua những quy định, quy chế mới, hiệp định mới nhằm tạo điều kiện cho các sản phẩm 2 bên có thể tiếp cận, mở rộng thị trường. Cụ thể, hai bên xem xét và đàm phán ký kết hiệp định kiểm dịch động thực vật. Và để tháo gỡ khó khăn cho sản phẩm tôm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam, phía Nhật Bản xem xét nâng mức kiểm soát MRL Ethoxyquin trong sản phẩm tôm nhập khẩu Việt Nam từ 0,01 ppm lên 1 ppm”.
Về sản phẩm tôm, Đại diện Ủy ban nông, lâm, thủy sản Nhật Bản cho biết, tiêu chuẩn liên quan đến an toàn thực phẩm của Nhật Bản là do Ủy ban về an toàn thực phẩm quy định dựa trên nghiên cứu về khoa học. Việc áp dụng này không chỉ dành cho Việt Nam mà tất cả các nước Nhật Bản nhập khẩu.
Yêu cầu nới lỏng tiêu chuẩn đối với chất ethoxyquin của mặt hàng tôm đông lạnh Việt Nam, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT đã gửi Công hàm tới Bộ trưởng Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản và đang chờ phía Nhật Bản quyết định.
Hiện nay, phía Việt Nam cũng đã bãi bỏ quy định kiểm tra chất phóng xạ đối với hàng nhập khẩu từ Nhật Bản.
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh tiếp Ủy ban nông, lâm, thủy sản Nhật Bản
Mở rộng xuất khẩu nông sản vào Nhật
Việt Nam và Nhật Bản đều có tiềm năng và lợi thế riêng để có thể thúc đẩy hợp tác phát triển nông nghiệp. Thứ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá, Nhật Bản là một nước công nghiệp phát triển với nền nông nghiệp hiện đại có sử dụng những công nghệ tiên tiến trong sản xuất. Mặc dù vậy, nông nghiệp Nhật Bản mới chỉ đáp ứng được trên 45% nhu cầu tiêu dùng trong nước và hàng năm vẫn phải nhập khẩu các mặt hàng nông sản. Đây được coi là lợi thế của Việt Nam để mở rộng xuất khẩu hàng hóa nông sản vào Nhật Bản.
Từ khi có Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam- Nhật Bản (VJEPA), nông sản Việt Nam có nhiều lợi thế hơn tại thị trường Nhật Bản như được miễn giảm thuế theo lộ trình, không bị kiện bán phá giá, kiện chống trợ cấp như tại EU và Mỹ…
Tại buổi hội đàm, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cũng mong được sự hỗ trợ về việc xây dựng khuôn khổ hợp tác, khung pháp lý, chính sách cụ thể trong việc quản lý áp dụng các bộ tiêu chuẩn hóa các mặt hàng nông lâm thủy sản.
Về phía Nhật Bản, Trưởng đoàn Ủy ban nông, lâm, thủy sản Nhật Bản khẳng định, Việt Nam là 1 trong những địa điểm xuất khẩu quan trọng mà Nhật Bản đang hướng tới hợp tác. Hy vọng sự hợp tác này góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương, đặc biệt là trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản.
Bình luận gần đây