ĐBSCL phấn đấu xuất khẩu cá tra đạt 1,75 tỷ USD

Để hoàn thành kế hoạch đề ra, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đưa từ 5.500 – 6.000ha mặt nước vào nuôi cá tra; trong đó nhiều nhất tại các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre, thành phố Cần Thơ.

Các địa phương đã củng cố, nâng cấp các cơ sở sản xuất giống, bảo đảm cung ứng từ 2,5 – 3 tỷ con cá giống đạt chuẩn và 3 triệu tấn thức ăn. Các tỉnh tổ chức cho người nuôi với nhà máy chế biến ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, tránh ứ đọng nguyên liệu cũng như thiếu nguyên liệu chế biến.

 

Sản phẩm cá tra philê tại Công ty cổ phần chế biến và đông lạnh Việt An, tỉnh An Giang. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Ngoài xuất khẩu, các tỉnh tạo điều kiện cho người nuôi, doanh nghiệp mở rộng tiêu thụ nội địa với các dạng sản phẩm tươi sống, philê, đông lạnh, băm viên; đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học vào nuôi cá tra sạch, bảo quản, chế biến, đa dạng hóa sản phẩm chế biến; thường xuyên thông tin tình hình sản xuất, tiêu thụ cá tra tại thị trường trong nước, thế giới và tăng cường thông tin dự báo giúp người nuôi kịp thời điều chỉnh sản xuất, tránh thua lỗ.

Trong khâu nuôi, các tỉnh khuyến khích người nuôi áp dụng kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” trong thâm canh cá tra xuất khẩu. Cụ thể là giảm mật độ thả nuôi còn 20 – 25 con/m2 ao; giảm sử dụng thuốc kháng sinh; giảm xả chất thải trong ao nuôi ra sông rạch. “3 giảm” nói trên sẽ tạo ra “3 tăng” là cá lớn nhanh hơn, tăng sức đề kháng với bệnh tật, chất lượng thịt tốt hơn.

Song song đó, các tỉnh vận động người nuôi bảo vệ môi trường bằng cách xây dựng ao chứa nước thải, bùn thải; cam kết không xả nước thải có chỉ tiêu thủy lý, hóa, sinh vượt mức cho phép ra sông rạch; mở rộng xây dựng các mô hình nuôi thủy sản an toàn; phối hợp với các viện, trường đại học lập mô hình nuôi cá tra kết hợp sử dụng nguồn nước thải để nuôi các loại thủy sản khác hiệu quả.

Ngoài ra, các tỉnh cũng kiến nghị Nhà nước sớm ban hành quy trình chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn kỹ thuật cá tra nguyên liệu, thức ăn nuôi cá để có cơ sở kiểm tra, quản lý chất lượng trong sản xuất kinh doanh, lưu thông phân phối mặt hàng này đồng thời quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu làm thức ăn, vùng nuôi lớn đi đôi với nâng cấp hạ tầng để người nuôi có điều kiện mở rộng sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế như SQF 1000, GlobalGAP…

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *