Kinh nghiệm quản lý thủy sản của Na Uy

Quản lý hạn ngạch

Bộ Thủy sản và Các vấn đề ven biển phối hợp với các Hiệp hội ngành hàng hữu quan, chính quyền địa phương… để xác định và quyết định hạn ngạch nuôi cá hồi (cho 7 vùng nuôi trên lãnh thổ Na Uy) và hạn ngạch khai thác cá tuyết.

Tại Na Uy, hạn ngạch được đánh giá là công cụ quản lý tốt nhất trong việc bình ổn giá cá nguyên liệu và gia tăng giá trị thủy sản xuất khẩu. Hàng năm, Na Uy kiểm soát không cho sản lượng nuôi cá hồi tăng trên 10%, gây thừa (vì thị trường tiêu thụ còn chịu tác động bởi nhiều hàng hóa thay thế khác). Việc tăng/giảm sản lượng nuôi cá hồi được quyết định dựa trên những nghiên cứu khoa học, các thông tin về thị trường tiêu thụ cá từ NSC (Hội đồng Thủy sản Na Uy).

Na Uy đang quản lý khai thác cá tuyết theo hạn ngạch – Nguồn: Rudolfabraham

Quản lý giá sàn

Đối với cá hồi, trước đây Luật Xuất khẩu Thủy sản Na Uy quy định, các nhà xuất khẩu không được phép bán cá hồi thấp hơn giá thành sản xuất. Tuy nhiên, do giá xuất khẩu cá hồi phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ, bị ràng buộc bởi các quy định thương mại quốc tế… nên việc áp dụng giá sàn xuất khẩu bị thất bại, quy định này đã bị bãi bỏ. Hiện, Na Uy áp dụng duy nhất giá sàn nguyên liệu cho khai thác, tiêu thụ cá tuyết thông qua hoạt động của Hiệp hội Bán hàng Thủy sản Na Uy.

 

Phát triển thị trường tiêu thụ

Căn cứ vào các nghiên cứu, thông tin về thị trường, Bộ Thủy sản và Các vấn đề ven biển sẽ ban hành hoặc tham mưu cho Chính phủ ban hành các chính sách, quy định pháp luật về sản xuất, xuất khẩu thủy sản; trong đó có việc quy định hạn ngạch nuôi cá hồi. NSC là cơ quan thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại thủy sản, xây dựng và củng cố thương hiệu thủy sản Na Uy.

Nhờ những kinh nghiệm quản lý hiệu quả nên Na Uy trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu về hoạt động xuất khẩu thủy sản – Nguồn: Rudolfabraham

Quản lý dịch bệnh

Năm 1985, ngành sản xuất cá hồi Na Uy bị khủng hoảng vì ô nhiễm môi trường và dịch bệnh (do chất thải từ hoạt động nuôi và việc sử dụng quá nhiều kháng sinh trong nuôi thủy sản). Khắc phục tình trạng này, Chính phủ Na Uy đã thực hiện các giải pháp đồng bộ như: Di chuyển lồng, bè nuôi ra vị trí nước sâu hơn, vị trí vùng biển hở; khắc phục, xử lý ô nhiễm môi trường vùng nuôi; nghiên cứu, phát triển vaccine phòng bệnh; hạn chế sử dụng kháng sinh, thay thế bằng vaccine trong phòng, chống bệnh cá hồi; quy định mật độ thả nuôi;  định ra khoảng thời gian giữa các chu kỳ nuôi, thời điểm thả giống, điều kiện nuôi; đào tạo cán bộ thú y thủy sản; áp dụng quy định chứng nhận vùng/cơ sở nuôi an toàn và thực hiện một số giải pháp kỹ thuật khác…

>> Theo NSC, quý I/2014, giá trị xuất khẩu thủy sản của Na Uy đạt hơn 2,8 tỷ USD, tăng 25% so cùng kỳ năm 2013.

You may also like...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *