Cơ hội nào cho tôm càng xanh ra thế giới?
Tăng sản lượng
Báo cáo của Tổng cục Thủy sản cho biết, năm 2013 cả nước có 21 tỉnh, thành nuôi TCX với tổng diện tích 12.299 ha; trong đó, tập trung chủ yếu tại khu vực ĐBSCL (12.250 ha, chiếm 99,6% diện tích của cả nước, sản lượng 6.028 tấn).
Nhiều chuyên gia đánh giá, TCX hoàn toàn có tiềm năng, lợi thế để vươn ra thế giới, nhưng không dễ dàng. Để làm được điều này, trước mắt cần phải tích hợp nguồn tôm bố mẹ có chất lượng đáp ứng nhu cầu nuôi nhằm nâng cao năng suất, sản lượng; Bởi, hiện nay sản lượng TCX nuôi hàng năm chưa đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu thụ nội địa. Đồng thời, phải tìm hiểu nhu cầu thị trường về mặt hàng này để có những bước đi thích hợp.
Theo ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam: “Muốn xuất khẩu được TCX thì phải biết diện tích, sản lượng bao nhiêu, thị trường nào ưa chuộng, từ đó có sự xâu chuỗi, gắn kết người nuôi và các nhà chế biến xuất khẩu”.
Thu hoạch TCX ở Cà Mau – Ảnh: Diệu Lữ
Hiểu nhu cầu thị trường
Chia sẻ tại Hội thảo “Định hướng và giải pháp phát triển nuôi tôm càng xanh bền vững ở Đồng Tháp” ngày 13/6/2014, ông Dương Đức Thành, đại diện Hiệp hội Doanh nhân người Việt ở nước ngoài tại Việt Nam cho hay: “Châu Âu hiện ưa chuộng TCX hơn Mỹ. Mỹ nhập khẩu khoảng 300 triệu USD TCX/năm, nhưng hiện đang từ chối nhập khẩu mặt hàng này của Việt Nam và thay vào đó là Ấn Độ, Thái Lan, Bangladesh. Thị trường châu Âu dường như có nhiều triển vọng hơn. Một nhà nhập khẩu thủy sản lớn, có nhiều năm kinh nghiệm ở châu Âu cho biết, hiện châu Âu, nhất là Hà Lan và Đức quan tâm đến con TCX của Việt Nam. Tuy nhiên, họ phải được biết trước các số liệu tổng quát như: diện tích nuôi bao nhiêu, vùng nuôi đã áp dụng tiêu chuẩn nào hay chưa, kích cỡ và giá cả của mặt hàng này như thế nào?”
“Họ có mối quan hệ với thị trường châu Á, nên từ châu Âu, con TCX sẽ được bán ra các nước ở khu vực châu Á. Tuy nhiên, để làm điều này, đòi hỏi các nhà sản xuất TCX Việt Nam phải đáp ứng được các yêu cầu của nhà nhập khẩu; trong đó, việc kiểm soát chất lượng từ khâu nuôi trồng đến chế biến là rất quan trọng”, ông Thành chia sẻ thêm.
Ngoài ra, cũng theo ông Thành, nhà nhập khẩu này cũng hứa, nếu các nhà xuất khẩu TCX Việt Nam đáp ứng được yêu cầu thì cơ bản họ sẽ đưa ra mức giá hợp lý, ngoài ra còn hướng dẫn cách chế biến để mặt hàng này tăng giá trị.
Một hướng đi đúng đắn
Theo ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản: “Để TCX có thể ra thế giới, cần tăng cường công tác xúc tiến thương mại nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu; xây dựng thương hiệu và tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu chất lượng, mẫu mã và quy cách sản phẩm của các nước nhập khẩu..”.
Còn theo TS Lê Thanh Lựu, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1: “Để sản phẩm TCX vào thị trường Âu, Mỹ nói chung, các thị trường khác trên thế giới nói riêng thì nhất thiết phải đáp ứng theo yêu cầu của người tiêu dùng. Phải tìm hiểu qua đối tác mua hàng để trên cơ sở đó xây dựng lộ trình đạt được chứng chỉ cần thiết. Trong thời gian chờ đợi, nên triển khai VietGAP để khi cần nâng cấp hoặc chuyển đổi sang các chứng chỉ khác sẽ dễ dàng hơn”.
Dẫu biết rằng đường ra thế giới của con TCX còn nhiều chông gai, nhưng với sự quyết tâm của các cấp ngành, các nhà khoa học, doanh nghiệp và người sản xuất… chắc chắn TCX sẽ tìm được lối đi và phát huy thế mạnh vốn có.
>> Theo ông Dương Đức Thành, đại diện Hiệp hội Doanh nhân người Việt ở nước ngoài tại Việt Nam: “Chỉ có đáp ứng được những yêu cầu của thị trường nhập khẩu thì TCX của Việt Nam mới có cơ hội tìm được chỗ đứng trên thị trường thế giới. Thị trường nhập khẩu càng khó tính, càng khắt khe thì khi chinh phục được sẽ càng bền vững và ổn định”. |
Bình luận gần đây