Phải tránh lệ thuộc trong xuất khẩu

Phải đi đường chính

Thời gian qua, xuất khẩu thủy sản đã có bước thăng tiến mạnh mẽ. Tuy nhiên, sản lượng và kim ngạch đó chưa thể phản ánh được hết năng lực thực của ngành thủy sản, nếu quên tính bền vững của thị trường.

Năm 2013, xuất khẩu thủy sản có bước tăng trưởng bất ngờ, giá trị đạt trên 5 tỷ USD có mặt trên 150 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Nhưng, số liệu thống kê cho thấy, năm 2013, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đạt kim ngạch 572,7 triệu USD, tăng 36,6% so năm trước. Xuất khẩu tôm đạt 381,2 triệu USD (chiếm 66,6%); cá tra 91,15 triệu USD (chiếm 15,9%), cá ngừ và các loại cá biển khác 11,9%, cua ghẹ và nhuyễn thể 5,6%. Dự báo năm 2014, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đạt 650 triệu USD, tăng 55% so năm 2013. Năm 2009, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 6 của Việt Nam thì  năm 2013 đã lên thứ 4, sau Mỹ, Nhật Bản và EU.

Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu không thay đổi cách làm, ngành thủy sản Việt Nam có thể vỡ trận bởi thương lái và doanh nghiệp Trung Quốc ít khi ký hợp đồng, chỉ thích mua bán qua đường tiểu ngạch với giá cả rất thất thường, thậm chí tìm mọi cách ép giá…

 

Đẩy mạnh hội nhập

Việt Nam đang đàm phán 6 hiệp định FTA gồm TPP, FTA với EU, Hàn Quốc, Liên minh Hải quan Nga – Belarus – Kazakhstan, khối thương mại tự do gồm Na Uy, Thụy Sĩ, Iceland và Liechtenstein và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện giữa các nước ASEAN và 6 đối tác. Các hiệp định với EU và Hàn Quốc đang tiến triển. Song, rõ ràng việc hội nhập thị trường toàn cầu của Việt Nam thời gian qua chưa đáp ứng được sự mong đợi.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 6 tháng đầu năm đạt trên 3,61 tỷ USD – Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Những thông tin từ Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam cho thấy TPP sẽ giúp tăng 28,4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam trong năm 2025 so với mức tăng khi không có sự hỗ trợ từ TPP; đồng thời tăng 35,7% xuất khẩu của Việt Nam.

Phiên đàm phán thứ tám Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU từ ngày 23 đến 27/6/2014 tại Bỉ được đánh giá khả quan. Năm 2013, tổng kim ngạch hai chiều Việt Nam và EU đạt khoảng 33,8 tỷ USD, tăng 16,11% so năm 2012; trong đó, xuất khẩu sang EU đạt 24,4 tỷ USD và nhập khẩu từ EU đạt 9,4 tỷ USD. Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của ta sang EU là giày dép, dệt may, cà phê, đồ gỗ, hải sản.

 

Doanh nghiệp đóng vai chính

Nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ thời gian vừa qua nhiều thị trường truyền thống của Việt Nam có dấu hiệu chững lại, thậm chí giảm kim ngạch, một phần do Việt Nam chậm trễ trong việc đàm phán những hiệp định FTA. Chẳng hạn, trong khi Việt Nam vẫn chưa được Mỹ coi là nền kinh tế thị trường, phương pháp của họ chống bán phá giá là so sánh với nước thứ ba, dẫn đến việc bị áp thuế phá giá rất cao. Nhưng quan trọng không chỉ “hội nhập qua đàm phán” mà trước hết là hội nhập từ các doanh nghiệp, từ chất lượng và hiệu quả đối với đời sống nông dân.

Vấn đề được nêu ra trong quá trình hội nhập (như sở hữu trí tuệ, bảo vệ môi trường, các chỉ dẫn địa lý hay cải thiện đời sống nông dân…) bao giờ cũng là những tiêu chuẩn khắt khe của các nước phát triển (như EU, Mỹ). Trong khi đó, việc xuất khẩu tiểu ngạch qua Trung Quốc với các thương lái không hợp đồng… hoàn toàn đi ngược quá trình xây dựng các tiêu chuẩn để phát triển một thị trường xuất khẩu lành mạnh. Không thể hội nhập nếu chỉ nhìn vào lợi ích trước mắt.

Vấn đề được gọi là “rào cản” kỹ thuật như một số thị trường đã được áp dụng với việc hạn chế các sản phẩm tôm, cá tra sau khi bị phát hiện vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm mấy năm nay, theo các chuyên gia châu Âu, thực chất đó là những vấn đề cơ bản trong yêu cầu xây dựng nền kinh tế thị trường.

Nền kinh tế thị trường đích thực là phải đem lại lợi ích cho nông dân (không bán phá giá, không bán dưới giá thành, phải có lợi nhuận) và đem lại lợi ích cho người tiêu dùng các nước (đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh dịch tễ). Đây là những yêu cầu khắt khe, các doanh nghiệp Việt Nam cần vươn đến. Để hội nhập sâu rộng vào thị trường toàn cầu và thoát khỏi sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam phải phát triển bền vững theo hai tiêu chí cơ bản là làm ăn có lãi thực sự và đem lại lợi ích bền vững cho con người.

>> Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết: Thị trường nội địa với 90 triệu dân có sức tiêu thụ rất lớn nhưng vẫn luôn bị xem nhẹ, cũng là một kênh quan trọng để tháo gỡ khó khăn. Đặc biệt, việc lớn nhất là tái cơ cấu, mở rộng tìm kiếm thị trường tốt hơn, để tránh lệ thuộc vào một thị trường.

You may also like...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *