Vẫn “đói” tôm nguyên liệu

“Cứu tinh” từ nhập khẩu

Báo cáo của VASEP cho thấy, 8 tháng đầu năm, giá trị nhập khẩu thủy sản tăng 73% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, nhập khẩu tôm chiếm số lượng lớn. Thời điểm này, để chuẩn bị cho các đơn hàng xuất khẩu dịp lễ tết cuối năm, nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu tôm đang phải chạy đôn chạy đáo tìm nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu.

Theo phản ánh của một số DN tại Cà Mau, mặc dù đặt nhà máy ngay tại vùng nguyên liệu nuôi tôm nhưng hiện tượng “đói” nguyên liệu vẫn xảy ra. Hiện, giá tôm nguyên liệu trong nước đã tăng, một phần do nhu cầu của DN chế biến xuất khẩu tăng, phần khác là do thương lái đang mua ồ ạt để xuất sang Trung Quốc.

Đại diện Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (Thuan Phuoc Corp) cho biết, điều lo lắng nhất của DN lúc này không chỉ bởi giá tôm nguyên liệu đã tăng 20%, mà chính là tình trạng thương lái mua tôm nguyên liệu đưa sang Trung Quốc vẫn không giảm, khiến các DN chế biến rất khó chủ động nguồn nguyên liệu.Trong bối cảnh nhu cầu tôm trên thị trường thế giới tăng cao, trong khi nguồn nguyên liệu trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất, buộc các doanh nghiệp chế biến trong nước phải tăng cường nhập khẩu.

Nhiều thời điểm tôm nguyên liệu nhập khẩu trở thành “cứu tinh” cho nhiều doanh nghiệp chế biến trong nước, bởi sự cạnh tranh thu mua từ thương lái nước ngoài ngay tại những vựa tôm chính, vụ thu hoạch chính, khiến DN sống giữa vựa tôm mà vẫn “đói”.

Nguồn tôm nguyên liệu trong nước không đủ cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu – Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Thực tế, việc chủ động nguồn nguyên liệu bằng cách nhập khẩu được nhiều doanh nghiệp tính toán ngay từ đầu năm. Một trong những doanh nghiệp hàng đầu về xuất khẩu tôm là Tập đoàn Minh Phú cũng đã tính phương án chấp nhận phụ thuộc nguồn nguyên liệu xuất khẩu để giảm thiểu rủi ro từ nuôi trong nước.Báo cáo của Tập đoàn Minh Phú cho thấy, dự trữ tôm hiện tại của Minh Phú là 12.000 tấn, trong đó có 6.000 tấn tôm nhập từ Ấn Độ. Nguồn dự trữ này giúp Minh Phú đảm bảo đáp ứng các đơn hàng đã ký cho dịp lễ, tết cuối năm.Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch tập đoàn Minh Phú cho biết, so với thời điểm dự trữ, giá tôm hiện tại đã tăng 3 – 4 USD/kg.

 

Nhập khẩu chỉ là giải pháp trước mắt

Việc nhập khẩu tôm nguyên liệu không phải là mới. Trước đây, VASEP từng liên tiếp kiến nghị cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn về nguyên liệu cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm bằng cách “nới” quy định xuất khẩu, giảm thuế nhập khẩu…Đương nhiên, xét lợi ích trước mắt của DNthì việc tăng nhập khẩu nguyên liệu để tăng xuất khẩu là cần thiết và vì lợi ích của chính DN. Tuy nhiên về lâu dài, đây không phải giải pháp căn cơ, bởi, không chỉ khiến DN phụ thuộc nguồn cung nước ngoài, mà còn khiến người nuôi tôm trong nước gặp khó.

Mặt khác, cũng cần phải tính đến trường hợp, khi người nuôi gặp khó khăn, giảm sản lượng nuôi, lúc đó nguồn cung sẽ càng eo hẹp, dần dà sẽ hạn chế phát triển ngành công nghiệp tôm vốn là số một của thủy sản Việt Nam. Rất có thể, ở thời điểm không xa, các DN xuất khẩu tôm lại hoàn toàn phụ thuộc nguồn nguyên liệu nước ngoài.

Mới đây, để hướng tới phát triển bền vững ngành tôm trong nước, Tổng cục Thủy sản đã đưa ra Đề án “Quản lý hoạt động sản xuất, chế biến và xuất khẩu tôm nước lợ khu vực ĐBSCL”. Theo đó, Đề án quy định DN chế biến bắt buộc phải có vùng nguyên liệu đáp ứng tối thiểu 10% công suất nhà máy chế biến.Quy định này liệu có thể giải được bài toán cung cầu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, hay họ vẫn phải tuân theo quy luật cung cầu của thị trường?

“Nếu việc xây dựng vùng nguyên liệu cho riêng mình có thể giải quyết tối ưu vấn đề nguồn nguyên liệu cho chế biến, có lẽ không ít nhà máy chế biến đã mạnh dạn đầu tư cho việc này, và nếu nguồn tôm nguyên liệu trong nước không bị tận thu bởi thương lái nước ngoài thì chắc chắn DN chế biến cũng không mặn mà với nguồn nguyên liệu nhập khẩu”, đại diện VASEP nêu vấn đề.

Như vậy, bên cạnh những giải pháp mang tính vĩ mô, ở tầm quy hoạch, thì rõ ràng công tác quản lý thị trường, giám sát, giảm thiểu tình trạng tranh mua tranh bán từ thương lái nước ngoài đối với tôm nguyên liệu cần được siết chặt hơn. 

Khi nông dân chỉ biết trông vào lãi ở con tôm là điểm tựa, vậy hơn ai hết, các DN chế biến xuất khẩu tôm trong nước cần có mối quan hệ mật thiết hơn, là đầu ra số một của người nuôi tôm. Đừng bỏ rơi nông dân giữa vòng xoáy thương lái nước ngoài, đó cũng là trách nhiệm của DN không chỉ đối với người nuôi, mà với chính sự phát triển ổn định, bền vững của ngành tôm Việt Nam.

>> ĐBSCL đang chiếm gần 91% diện tích nuôi tôm nước lợ của cả nước với gần 596.000 ha. Trong đó, tôm sú hơn 580.000 ha, còn lại là tôm thẻ chân trắng. Sản lượng tôm nước lợ vùng này 431.570 tấn nhưng chỉ đáp ứng được 6070% công suất chế biến của các nhà máy. Vì thế, doanh nghiệp phải nhập khẩu để bù đắp sự thiếu hụt nguyên liệu; đây có thể là xu thế mới trong thời gian tới.

You may also like...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *