Thủy sản 2015: Đẩy mạnh xúc tiến thương mại
Nhiều hoạt động tích cực
Đến nay, nhiều doanh nghiệp đã khẳng định có thể tự xây dựng và triển khai các chương trình XTTM riêng. Song, phải thừa nhận, việc tiếp cận thị trường của hầu hết các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam vẫn đang dựa vào kinh nghiệm hơn là những chiến lược kinh doanh được nghiên cứu, xây dựng một cách bài bản, chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, các yếu tố như trình độ công nghệ, nguồn vốn, nguồn cung nguyên liệu, nguồn lực… cũng là những trở ngại không nhỏ.
Xét về bộ máy quản lý thương mại thủy sản hiện nay đang do nhiều bộ ngành thực hiện. Cụ thể, Bộ Công thương chủ trì việc ban hành chính sách thương mại, quản lý cạnh tranh, hạn ngạch xuất nhập khẩu, thị trường; Bộ NN&PTNT chủ trì và phối hợp thực hiện các hoạt động cụ thể liên quan đến XTTM mặt hàng nông, lâm, thủy sản.
Nhà nước cũng tạo hành lang thuận lợi cho các doanh nghiệp tự chủ động thực hiện XTTM thông qua việc tìm hiểu thông tin thương mại, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm dữ liệu, tư vấn xuất khẩu, phát triển thương mại điện tử…
Thủy sản đang dần tránh được việc phụ thuộc vào một thị trường – Ảnh: Lê Hoàng Vũ
Ông Ngô Quang Tú, Trưởng phòng Chế biến, bảo quản thủy sản (Cục Chế biến Nông lâm Thủy sản và Nghề muối) cho hay, công tác thông tin thị trường trong năm qua được duy trì và tăng cường triển khai quảng bá về sản phẩm nông lâm thủy sản trên các phương tiện thông tin đại chúng để cung cấp nhanh thông tin định hướng về chính sách, thị trường và giá cả, sản xuất và tiêu thụ đến các nhà quản lý, các doanh nghiệp, nông dân. Thông tin về công tác chỉ đạo, điều hành tháo gỡ khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ nông lâm thủy sản. Giới thiệu các điển hình, các mô hình liên kết sản xuất với thị trường, doanh nghiệp với nông dân trong chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ…
Mặt khác, công tác XTTM thị trường nội địa, đã duy trì tổ chức 2 hội chợ triển lãm quan trọng của ngành là Hội chợ Làng nghề Việt Nam (tổ chức tháng 9/2014) và Hội chợ Agroviet (tháng 11/2014). Qua đó, góp phần tuyên truyền quảng bá các loại hàng hóa nông lâm thủy sản, sản phẩm làng nghề tiêu biểu của các vùng miền; đồng thời, giới thiệu các máy móc thiết bị canh tác, chế biến nông lâm thủy sản, vật tư nông nghiệp chất lượng cao đến đông đảo người sản xuất và tiêu dùng. Hội chợ còn là cơ hội để các doanh nghiệp và bà con nông dân gặp gỡ, giao lưu, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư giữa các vùng miền, trong nước và quốc tế.
“Về việc hỗ trợ tổ chức các hội chợ của địa phương, năm 2014 đã khắc phục tình trạng hỗ trợ dàn trải các hội chợ, chỉ tập trung hỗ trợ tổ chức 1 Hội chợ là Hội chợ Nông ngư cơ quốc tế ĐBSCL tháng 11/2014 vừa qua tại An Giang” – ông Tú nhìn nhận
Đẩy mạnh dự báo thị trường
Trong XTTM, thông tin, dự báo thị trường đóng vai trò quan trọng, tiên quyết; mặc dù được cải thiện hơn so với những năm trước nhưng vẫn chưa phân tích sâu nguyên nhân và dự báo được diễn biến thị trường; các hoạt động XTTM chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn của ngành nông nghiệp; kế hoạch XTTM phải điều chỉnh nhiều lần trong năm nên không chủ động được trong việc tổ chức thực hiện.
“Về XTTM thị trường quốc tế, năm 2015 và trong thời gian tới, tập trung các nguồn lực cho các hoạt động đàm phán đa phương, song phương, ký kết các hiệp định, thỏa thuận hợp tác, làm việc với các cơ quan chức năng của bạn nhằm tháo gỡ rào cản, mở rộng thị trường xuất khẩu có trọng tâm, trọng điểm, không để lệ thuộc quá lớn vào một thị trường” – ông Tú nói.
Còn về XTTM nội địa, tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng tổ chức hai hội chợ triển lãm quan trọng của ngành là Hội chợ Agroviet và Hội chợ Làng nghề Việt Nam, gắn với các hoạt động thi đua khen thưởng của Bộ như giải Bông lúa Vàng; Chất lượng Vàng Thủy sản Việt Nam… không tổ chức hội chợ triển lãm tràn lan tại các vùng miền, đẩy mạnh các hoạt động XTTM tại Trung tâm triển lãm nông nghiệp.
Bình luận gần đây