Nông – thủy sản Việt đang “sống mòn”

Giá “chạm đáy” vẫn ế

Chưa bao giờ đầu ra các mặt hàng nông thủy sản lại khó khăn như hiện nay. Thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, tính đến đầu tháng 5, tồn kho gạo đã trên 1,7 triệu tấn, cùng đó, giá xuất khẩu giảm sâu đã kéo giá nguyên liệu trong nước giảm theo.

Cùng với gạo thì cà phê cũng không mấy thoải mái. Sản lượng cà phê niên vụ 2014 – 2015 đã thu hoạch xong, tuy nhiên, hiện giá cà phê thấp đến mức khiến nông dân và nhà xuất khẩu đều không mặn mà với việc bán ra.

Còn tại Sóc Trăng vừa qua, hơn 50.000 tấn hành tím ứ đọng khiến người trồng hành lao đao. Ông Trần Thanh Sang (phường 1, thị xã Vĩnh Châu) than thở, cứ đến vụ thu hoạch rộ thì hành tím lại mất giá thê thảm, hiện còn chưa đến 5.000 đồng/kg (giảm 15.000 – 25.000 đồng/kg so với vụ hành sớm. Một số hộ có điều kiện trữ lại chờ giá, còn đa phần phải bán tháo, bán chạy dù biết chắc sẽ lỗ. “Nhiều hộ thua lỗ đã phải bỏ đi nơi khác làm mướn. Điệp khúc được mùa mất giá cứ đeo bám người trồng hành, khiến chúng tôi không thể ngóc đầu lên được”, ông Sang chua xót.

Đầu ra cho nông sản gặp nhiều khó khăn – Ảnh: CTV

Chủ tịch Hội Nông dân Hòa Bình Nguyễn Trường Phong cho biết, diện tích mía tím của tỉnh năm nay vượt quy hoạch, lên tới 5.000 – 6.000 ha, dẫn đến 1.000 ha khó tiêu thụ.

Trong lĩnh vực thủy sản, con tôm là ví dụ. Hiện nay, sản xuất tôm trên cả nước gặp rất nhiều khó khăn, dịch bệnh tăng, chi phí đầu vào tăng cao, tuy nhiên giá bán lại dưới giá thành sản xuất. Cả con tôm sú lẫn tôm thẻ chân trắng, giá thương phẩm giảm 40.000 – 60.000 đồng/kg so với thời điểm cuối năm ngoái. Người nuôi đành “ôm” tôm chờ giá.

 

Nhà quản lý hết cách!

Ông Nguyễn Minh Chí, Phó phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu cho biết, vụ này, địa phương có hơn 6.500 ha trồng hành tím, năng suất khoảng 17 tấn/ha. Hiện còn khoảng 50.000 tấn tồn đọng, chúng tôi chưa tìm được hướng tháo gỡ cho bà con.

Nguyên nhân được cho là do hành thương phẩm của địa phương chủ yếu xuất khẩu sang Indonesia, nhưng hiện tại nhà nhập khẩu ngưng nhận hàng, nên giá hành rớt thê thảm. Một số doanh nghiệp thu mua tại chỗ cũng không có cách nào giải quyết hết lượng hành tồn đọng quá lớn này.

Đại diện Sở Công thương Sóc Trăng cho biết, Sở đã rất tích cực tìm giải pháp tiêu thụ cho hành tím Vĩnh Châu, song do đây không phải là mặt hàng thiết yếu, chỉ là hàng gia vị nên việc xúc tiến tiêu thụ cũng rất khó. Tuy nhiên, có thật là khó bán khi theo một thông tin thống kê cho thấy, có đến 90% hành khô trên thị trường một số tỉnh miền Bắc xuất xứ từ Trung Quốc.

 

Xúc tiến thương mại ở đâu?

Tình trạng ùn ứ các mặt hàng nông sản như thanh long, dưa hấu, hành tím, gạo… liên tục tái diễn đã phản ánh một thực tế về sự yếu kém trong mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, giữa quy hoạch với thực tế sản xuất. Chủ tịch Hội Nông dân Hòa Bình cho rằng, cần liên kết mới có thể trồng mía theo quy hoạch, chứ rời rạc, mạnh ai nấy làm thì rất khó, tình trạng “được mùa mất giá” sẽ lại tiếp diễn vụ này qua vụ khác.

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, tình trạng ùn ứ nông sản thường xảy ra với những mặt hàng nông nghiệp không có quy hoạch hoặc quy hoạch rất lỏng lẻo. Việc tự phát này không ai kiểm tra, không ai quy định, tính toán nên sản lượng tăng đột biến. Người dân sản xuất theo cảm quan nên quy hoạch ngang nhiên bị phá vỡ, để rồi chính họ phải nếm trái đắng.

Chung quy là do nông dân “làm sai”, nhưng liệu họ có đáng trách, bởi vốn dĩ họ phải vì cuộc sống trước, nhìn thấy cái gì có lợi thì làm. Việc quy kết lỗi do nông dân hay đá bóng trách nhiệm giữa các ban ngành quản lý vẫn thường diễn ra khi có những phản ánh về tình trạng này, tuy nhiên, một thực tế dễ nhận thấy nhưng chưa mấy khi được chỉ ra, đó là việc cầm trịch trong mua bán nông sản hiện nay nằm trong tay thương lái.

Ông Phan Xuân Quế, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Lương thực miền Bắc, nếu trước đây chúng ta có thể quyết định bán cho ai, thì nay lại do người mua quyết định. Đây là thực tế của hầu hết các mặt hàng nông sản trong nước. Dưa hấu là điển hình. Hiện nay, chuyện mua bán mặt hàng này phụ thuộc vào 10 đầu mối thương lái nhập hàng từ Trung Quốc. Chính sự phụ thuộc này đã khiến nông sản trong nước chết mòn và liên tục bị ép giá.

Cùng đó, đại diện các doanh nghiệp xuất khẩu cũng cho rằng, nhiều năm qua, xúc tiến thương mại trong lĩnh vực nông sản ngày càng thu hẹp. Cùng đó, các hình thức xúc tiến thương mại không được đổi mới, bởi việc tham gia đều đặn các hội chợ giờ không còn hiệu quả nhiều.

Có rất nhiều việc cần làm, nhưng như một người trong cuộc tâm sự, mọi thứ phải gắn với thực tế sản xuất. Bởi hiện nay, nhiều cơ hội “vàng” được các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp tô lên tại các hội nghị, hội thảo nhưng lại hoàn toàn đối nghịch với thực tế được mùa mất giá, được giá mất mùa hay mất mùa mất cả giá của nhiều mặt hàng nông sản nước ta hiện nay.

>> Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, cái thiếu ở đây là thông tin thị trường. Hiện nay, việc cập nhật thông tin không khó, cái chính là làm sao để thông tin này thông suốt. Bởi sản xuất và thị trường tiêu thụ nông sản có tính thời vụ, đứt đoạn thông tin thì việc cung ứng hàng nông sản sẽ “chết” khi cung vượt cầu.

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *