Tôm Ấn Độ hướng mốc xuất khẩu 6 tỷ USD

Chủ động nguồn thức ăn

Sau khi chuyển hướng sang tôm thẻ chân trắng, ngành thức ăn chăn nuôi của Ấn Độ có nhiều bước tiến, số lượng công ty tham gia lĩnh vực này đã tăng lên. Hiện, Ấn Độ có gần 25 công ty thức ăn thủy sản, tổng sản lượng thức ăn thủy sản năm 2014 đạt 1,25 triệu tấn gồm 600.000 tấn thức ăn nuôi tôm, còn lại là thức ăn cho cá và các loại thủy sản khác. Các nhà máy sản xuất thức ăn bán hàng qua kênh phân phối và hệ thống đại lý. Trại nuôi thường liên kết với công ty mua trực tiếp thức ăn từ nhà máy. Nông dân Ấn Độ ngày càng chú trọng chất lượng thức ăn chăn nuôi, hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) từ 1,4:1 đến 1,8:1, tôm khỏe mạnh, tăng trưởng tốt.

Ấn Độ cấm nhập khẩu bột đạm động vật. Còn bột đạm thực vật như khô đậu, bắp, phụ phẩm lúa mỳ bị đánh thuế nhập khẩu rất cao. Sự khắt khe trong khâu quản lý khiến nguyên liệu nội địa được tận dụng, tránh nhập khẩu ồ ạt và thúc đẩy các công ty chế biến thức ăn chủ động tạo ra công thức thức ăn chất lượng ổn định.

 

Chú trọng an toàn sinh học

Để phát triển ngành tôm bền vững, việc trước tiên cần phải tìm ra những yếu điểm. Đây là ý kiến của Hội Nuôi trồng thủy sản Ấn Độ (SAP). Cơ quan này cho biết, mối đe dọa thực sự chuỗi cung ứng tôm Ấn Độ là tôm giống, cách nuôi, thức ăn, cách cho ăn, chế biến và tiếp thị. Hoạt động sản xuất giống, sản lượng nauplii và hội chứng zoea vẫn khiến sản xuất tôm giống có lúc chìm trong bế tắc. Đó là lý do Ấn Độ đầu tư nguồn lực để tiến tới tự chủ tôm bố mẹ. SAP cũng kêu gọi các cơ quan chức năng, cộng đồng khoa học xem xét các loài tôm bản địa, thuần hóa, thực hiện lai giống chọn lọc nhằm sản xuất tôm bố mẹ sạch bệnh để sử dụng trong tương lai.

Dịch bệnh thường xuyên xuất hiện trên các trại nuôi tôm. Gần đây nhất là hội chứng tôm chết liên tiếp – RMS. Tiến sĩ Stephen Newman, Công ty Tư vấn thủy sản Aqua Intech, Mỹ khẳng định đây là hậu quả tất yếu của việc coi nhẹ an toàn sinh học trong sản xuất. Các chuyên gia ở Ấn Độ cũng phải thừa nhận RMS bùng phát ở Ấn Độ là do sử dụng giống không sạch bệnh, điều kiện ao nuôi và chất lượng nước kém, cho ăn quá mức, không rút bỏ bùn thải, nhiệt độ, độ mặn cao… Nhiều khuyến nghị được đưa ra để sản xuất bền vững và thành công gồm cải thiện tôm bố mẹ, dinh dưỡng ấu trùng, quy định khử trùng tốt bằng chất diệt khuẩn chất lượng, chuẩn bị ao nuôi đầy đủ giữa các vụ, sử dụng chế phẩm sinh học, chất kích thích miễn dịch và quản lý bùn. Mô hình nuôi tôm mật độ thấp ở Ecuador hay mô hình hệ thống nuôi ghép, bán biofloc tại Indonesia cũng được Ấn Độ nghiên cứu, xem xét để học hỏi kinh nghiệm.

 

Giữ vững liên kết chuỗi

Ông Santhana Krishnan, Chủ tịch sáng lập SAP nhấn mạnh, Ấn Độ có lợi thế hơn các nước xuất khẩu tôm khác khi tính cả mức thuế chống bán phá giá 2,49%. Tại Mỹ, tôm Ấn Độ may mắn không nằm trong danh sách cảnh báo của FDA như Việt Nam, Indonesia, hay Trung Quốc. Một vướng mắc lớn chưa được tháo gỡ hiện nay là sự thiếu linh hoạt của nông dân Ấn Độ trong mối tương tác với nhà chế biến, nhu cầu thị trường. Gần đây thị trường Mỹ, EU chuộng tôm cỡ nhỏ do giá mặt hàng này rẻ hơn tôm cỡ lớn. Khi Việt Nam, Trung Quốc ráo riết thu mua tôm nguyên liệu cỡ nhỏ phục vụ chế biến thì nông dân Ấn Độ vẫn trung thành với tôm cỡ 30, 40, 50. Đơn giản, đó là thói quen canh tác, họ chỉ thu hoạch tôm cỡ nhỏ khi phát sinh dịch bệnh, thay đổi thời tiết, lo ngại tôm chết. Cơ hội dành cho người nông dân bị thu hẹp lại vì sự thiếu ăn khớp với nhu cầu thị trường. Ông Santhana cũng phân tích rõ điều này với nông dân, đồng thời cảnh báo họ về thị trường Trung Quốc không bền vững vì phải xuất khẩu qua đường Việt Nam.

Hiệp hội Thủy sản Ấn Độ cũng kết hợp với SAP trong cuộc chiến nói không với kháng sinh; đồng thời đề xuất chương trình giám sát dư lượng hiệu quả. SAP cũng đang tiến hành đào tạo cho các nhân viên ở trại giống có năng lực hoạt động kém. Nông dân Ấn Độ chủ yếu dựa vào lời khuyên từ các kỹ thuật viên thức ăn chăn nuôi, chuyên gia tư vấn – đây được coi là kênh tuyên truyền quan trọng của Cơ quan Khuyến nông quốc gia vốn đang hoạt động quá tải. Ấn Độ đã đặt mục tiêu cho ngành xuất khẩu thủy sản con số 6 tỷ USD trong năm nay. Đó dường như không phải là con số quá sức với nước này. Ít nhất, Ấn Độ đã có thể tự chủ được tôm bố mẹ, tôm nguyên liệu không phụ thuộc vào nhập khẩu. Tuy nhiên, để cán mốc 6 tỷ USD, đòi hỏi nỗ lực hợp nhất giữa các bên liên quan trong ngành tôm nước này.

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *