Ngành nông nghiệp và nỗi lo nhập siêu

Giảm nhiều hơn tăng

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2015, tốc độ tăng GDP nông, lâm nghiệp và thủy sản cả nước đạt 2,36%, cao hơn năm 2013 (2,14%), nhưng lại thấp hơn so năm 2014 (2,9%); giá trị sản xuất toàn ngành ước 489.000 tỷ đồng, tăng 2,41% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, nông sản 371,9 nghìn tỷ đồng (tăng 1,95%); lâm sản 12,6 nghìn tỷ đồng (tăng 8,3%); thủy sản 104,5 nghìn tỷ đồng (tăng 3,45%).

Trồng trọt có tốc độ tăng trưởng thấp nhất 1,08%, thấp hơn 6 tháng đầu năm 2014 là 1,72%. Với lĩnh vực chăn nuôi, theo ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, thời gian qua, chăn nuôi phát triển ổn định do kiểm soát được dịch bệnh, giá thức ăn chăn nuôi và vật tư đầu vào khá ổn định. Mặt khác, hiện có khá nhiều doanh nghiệp lớn đang đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi; đây là tín hiệu tích cực nhưng cũng cần có chính sách hỗ trợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực này.

Thủy sản 6 tháng qua cũng ghi nhận nhiều thăng trầm. Sản lượng khai thác ước đạt 1,496 triệu tấn, tăng 4,4% so cùng kỳ năm 2014. Đối với hoạt động nuôi trồng, do thời tiết bất thường, khó khăn về thị trường tiêu thụ nên sản lượng nuôi các mặt hàng chủ lực (tôm, cá tra) giảm; như tôm đạt 236 nghìn tấn, giảm 2,5%. Tuy nhiên, các đối tượng nuôi khác (cá rô phi, nhuyễn thể…) vẫn tăng, đạt 1,574 triệu tấn, tăng 3,3% so cùng kỳ năm ngoái. Tổng sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm ước 3,071 triệu tấn, tăng 3,8% so cùng kỳ; Giá trị xuất khẩu giảm 16% so cùng kỳ năm 2014. Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 19,33% tổng giá trị xuất khẩu.

6 tháng, xuất khẩu thủy sản giảm 16% so cùng kỳ năm 2014 – Ảnh: Huy Hùng

 

Nhập khẩu tăng mạnh

Tuy xuất khẩu toàn ngành đạt 14,42 tỷ USD nhưng giá trị nhập khẩu của ngành lên tới khoảng 11,36 tỷ USD, tăng 6,4% so năm cùng kỳ năm 2014; trong đó, giá trị nhập khẩu mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu tới 1,73 tỷ USD, tăng 7,8% so cùng kỳ năm 2014. Đứng thứ hai là nhóm nguyên liệu gỗ và sản phẩm gỗ, giá trị nhập khẩu 6 tháng đầu năm 1,05 tỷ USD, giảm 13,5% so cùng kỳ năm trước.

Một số mặt hàng nguyên liệu có biến động tăng về giá trị và lượng nhập trong 6 tháng qua là thủy sản, điều, ngô, phân bón.Trong đó, giá trị nhập khẩu thủy sản 6 tháng là 506 triệu USD, tăng 2,1% so cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường nhập khẩu chính là Ấn Độ (chiếm 30,4%) tiếp đến là Hàn Quốc và Na Uy lần lượt là 7,1% và 7%.

Khối lượng hạt điều nhập khẩu trong tháng 6 ước đạt 130.000 tấn, giá trị 154 triệu USD, lũy kế 6 tháng qua đạt 414.000 tấn, trị giá 527 triệu USD, tăng 73,2% về lượng và gấp 2,08 lần về giá trị so cùng kỳ năm 2014.Ước tính khối lượng ngô nhập khẩu trong tháng 6 là 352.000 tấn, giá trị 72 triệu USD, đưa khối lượng nhập khẩu mặt hàng này trong nửa đầu năm 2015 gần 3,27 triệu tấn, tương ứng giá trị 744 triệu USD, tăng 36,8% về lượng và 20,7% về giá trị so cùng kỳ.

 

Nhiều giải pháp tháo gỡ

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, những tháng đầu năm, một số lĩnh vực của ngành vẫn tồn tại những hạn chế nhất định. Cụ thể, việc triển khai thực hiện tái cơ cấu chưa đồng bộ giữa các cấp, ngành và địa phương; tình trạng lưu thông, sử dụng các loại vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y và sử dụng chất cấm trong sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn chưa được ngăn chặn…

Việc kiểm tra, giám sát chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản chưa chặt chẽ, thiếu thống nhất giữa chính quyền địa phương. Cùng đó, chưa có đủ cơ chế chính sách tạo động lực và thay đổi nhận thức, thói quen trong sản xuất và tiêu dùng của người dân trong công tác đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh, nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm, cần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp để đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn, đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, xóa đói giảm nghèo hiệu quả. Đồng thời, Bộ cần tiếp tục làm ra thêm 22.000 tỷ đồng thì nông nghiệp sẽ tăng trưởng với giá trị tổng sản lượng 3,4% và giá trị gia tăng khoảng 3% như mong đợi của Chính phủ.

Cụ thể, ngành nông nghiệp sẽ tập trung vào 3 nhóm giải pháp trọng tâm. Thứ nhất, rà soát lại các chuỗi giá trị đối với sản phẩm có thị trường, có thể mở rộng sản xuất để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh; Thứ hai, thực hiện đồng bộ giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp đầu tư kinh doanh trong nông nghiệp như đơn giản hóa, thậm chí cắt bỏ thủ tục hành chính; Thứ ba, tháo gỡ vướng mắc để duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu, hỗ trợ tiêu thụ nông sản của nông dân.

>> Trong 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp ước đạt 14,42 tỷ USD, giảm 2,8% so cùng kỳ năm 2014; trong đó, 5/12 mặt hàng giảm, đó là: chè (-4,1%), cao su (-5,1%), gạo (-10,5%), cà phê (-35,1%), thủy sản (-16%).

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *