Suy giảm nếu không tạo sự khác biệt
Khó khăn tiếp diễn
Khi Mỹ, EU suy yếu, nhiều hãng xuất khẩu tìm đến đích mới an toàn hơn là Đông Nam Á. Thực tế, xuất khẩu cá tra sang các nước Đông Nam Á 2014 tăng trưởng 9,4% so năm ngoái, nhưng không đủ sức bù đắp sụt giảm ở hai thị trường Mỹ và EU. Sản xuất ổn định như vậy nhưng xuất khẩu chững lại ngay trong quý 1/2015. Thị trường Mỹ ngày càng gai góc bởi hàng loạt rào cản thương mại, và nhu cầu chỉ tạm nhích lên vào các lễ hội lớn như mùa Chay.
Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết, tổng khối lượng cá tra đông lạnh nhập khẩu năm 2014 đã giảm 4,8% so với năm 2013. Riêng nhập khẩu fillet cá tra đông lạnh vốn chiếm tới 94% tổng cá tra nhập khẩu cũng giảm 4,1%. Việt Nam vẫn đang dẫn đầu mặt hàng fillet cá tra đông lạnh tại Mỹ. Tuy nhiên, lượng cá tra fillet đông lạnh từ Bangladesh, Myanmar và Trung Quốc lại đang gia tăng, đặc biệt vào mùa Chay. Nhập khẩu fillet cá nheo Ictalurus (cá da trơn nước ngọt Bắc Mỹ) cũng tăng 20% , Trung Quốc đang là nhà cung cấp chính (6.645 tấn).
Xuất khẩu cá tra giảm ở nhiều thị trường – Ảnh: Ngọc Trinh
Tình hình tiêu thụ cá tra fillet đông lạnh tại EU cũng sụt giảm 9,2%. Ngành cá tra Việt Nam chịu tác động lớn nhất vì là đối tác cung cấp chính tại EU với sản lượng xấp xỉ 130.000 tấn. Tây Ban Nha, thị trường tiêu thụ cá tra lớn nhất châu Âu cũng chỉ tăng lượng nhập khẩu khoảng 1% lên 33.296 tấn. Sau Tây Ban Nha, các nước khác như Đức, Italia, Hà Lan đều đồng loạt giảm nhập khẩu cá tra. Riêng thị trường Anh chỉ nhập khẩu 624 tấn. Trong khi đó, người tiêu dùng EU bất ngờ thay đổi xu hướng tiêu dùng sang cá tra nguyên con đông lạnh. Lượng nhập khẩu sản phẩm này đã tăng 3% từ 2013 đến 2014. Nhưng Việt Nam cũng không còn “một mình một chợ” bởi các đối tác khác như Indonesia, Thái Lan, Myanmar và Bangladesh cũng đang chen chân vào phân khúc này, tạo sự cạnh tranh gay gắt về giá và chất lượng. Đồng euro suy yếu, thị trường EU mất đi nhiều phần hấp dẫn. Áp lực giảm giá để giữ đơn hàng vẫn đè nặng lên vai các hãng xuất khẩu cá tra sang thị trường này.
Cái phao “bền vững”
Trị giá xuất khẩu cá tra năm 2014 đã sụt giảm 0,4% so với năm trước đó. Đáng kể nhất là thị trường EU sụt giảm tới 10,7% giá trị và Mỹ sụt giảm 11,5%. Riêng Đức, một trong những thị trường nhập khẩu cá tra hàng đầu của Việt Nam cũng giảm 12% giá trị nhập khẩu so với năm trước đó. Mặc dù Đức là thị trường tiêu thụ cá tra lớn thứ 4 của Việt Nam, nhưng nhập khẩu của thị trường này đã liên tiếp sụt giảm 4 năm liền. Hiện, thị trường EU vẫn chưa hồi phục hoàn toàn; đặc biệt trong bối cảnh nhiều hãng truyền thông tại các nước phương tây vẫn còn đưa tin thiếu tích cực xung quanh chất lượng con cá tra Việt Nam. Trong lúc xuất khẩu cá tra tại hầu hết thị trường ảm đạm, thì sản phẩm của các trại nuôi đạt chứng nhận ASC vẫn kinh doanh khá tốt, đặc biệt ở thị trường khó tính như Đức. Tuy vậy, việc nhân rộng trại nuôi chứng nhận ASC là điều không đơn giản với đại đa số nông dân Việt Nam bởi chi phí bỏ ra cho các trại nuôi ASC không nhỏ, và hầu như sản phẩm này được bán theo yêu cầu và áp lực thị trường, vẫn là một mô hình xa vời.
Tuy nhiên, nuôi trồng bền vững và có trách nhiệm vẫn là cái đích mà toàn thể những cơ quan quản lý ngành cá tra hướng tới, trong đó có Hiệp hội Cá tra Việt Nam. Hiệp hội đã ký bản ghi nhớ với Liên minh nuôi trồng thủy sản toàn cầu (GAA) trong kế hoạch hợp tác đôi bên cùng thúc đẩy hoạt động nuôi cá tra bền vững ở Việt Nam cũng như toàn cầu thông qua các chương trình trao đổi thông tin, đào tạo và nghiên cứu. Dù chứng nhận bền vững không phải là một chìa khóa thần kỳ mở tất cả cánh cửa thị trường, nhưng nó cũng tạo niềm tin lớn đối với đại đa số người tiêu dùng, nhất là các khách hàng châu Âu.
Cần khác biệt
Thị trường châu Á vẫn chủ yếu chấp nhận sản phẩm cá tra fillet. Nhập khẩu fillet cá tra đông lạnh của các quốc gia gồm Singapore, Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Đài Loan, Hồng Kông, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc chiếm gần 65.000 tấn, tăng 16% so với năm 2013. Khối lượng nhập khẩu tăng đáng kể nhưng giá bán trung bình lại diễn biến theo chiều hướng ngược lại. Cụ thể, giá cá xuất sang Nhật Bản giảm 6%, Ấn Độ giảm 10,5%. Do đó, dù xuất được nhiều hàng, nhưng giá trị thu về vẫn chưa xứng tầm, châu Á vẫn chỉ là bến đỗ tạm sau khi nhiều thị trường lớn như Mỹ và châu Âu lao dốc.
Trái ngược với châu Á, Mỹ Latinh được dự báo là thị trường có khả năng sinh nhiều lợi nhuận nhất cho các hãng xuất khẩu cá tra Việt Nam. Sản lượng nhập khẩu fillet cá tra đông lạnh năm 2014 cao hơn năm trước 35%, đạt 120.000 tấn. Đáng chú ý nhất là nhập khẩu cá tra của Mexico, Brazil, Colomnia tăng trưởng ngoạn mục nhưng quản lý chất lượng vẫn là vướng mắc lớn nhất khi thâm nhập những thị trường này bởi các quy chế kiểm dịch khắt khe luôn song hành cùng lệnh cấm nhập khẩu.
Việt Nam phải đối mặt cạnh tranh từ nhiều nước láng giềng trong khu vực cũng đang tăng cường nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu. Cơ quan quản lý ngành thủy sản Indonesia thông báo sản lượng cá tra của nước này đã vượt 400.000 tấn, một con số khởi đầu đầy ấn tượng. Không chỉ phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa, những sản phẩm cá tra mang thương hiệu Indonesia đã thâm nhập nhiều thị trường quốc tế, và có khả năng thay thế fillet cá tra đông lạnh Việt Nam. Trước sự cạnh tranh của các đối thủ cá tra lân cận cùng chi phí sản xuất đang ngày càng tăng cao, chắc chắn ngành cá tra Việt Nam phải tiếp tục duy trì được sự ổn định sản lượng, tiếp tục cải tiến chất lượng vượt trội thông qua các chiến dịch quảng bá, tiếp thị hình ảnh, tăng cường chế biến sâu mới có thể tạo sự khác biệt với các sản phẩm cá tra bình dân khác đang bắt đầu tràn ngập thị trường quốc tế.
Bình luận gần đây