Thị trường nội địa: Còn nhiều “sân chơi”
Ông đánh giá thế nào về tiềm năng tiêu thụ nội địa của con cá tra?
Với dân số hơn 90 triệu người (đứng thứ 13 thế giới), tập quán thích ăn cá và cá có thể chế biến thành nhiều món…, Việt Nam là thị trường tiềm năng, nhiều lợi thế để các doanh nghiệp cá tra phát triển. Bên cạnh đó, người tiêu dùng Việt Nam thường khá dễ tính, không quá cầu kỳ về các loại thực phẩm; do vậy các sản phẩm thủy sản, trong đó có cá tra được tiêu thụ dễ dàng. Ngoài ra, cá tra là sản phẩm có giá thành rẻ so với một số loài khác, chất lượng thịt được đánh giá là thơm, ngon nên ngày càng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn cho bữa ăn gia đình.
Theo ông, các doanh nghiệp có nên tập trung phát triển ở thị trường này?
Thị trường nội địa còn rất nhiều “sân chơi” cho các doanh nghiệp cá tra, điều quan trọng là những đơn vị này có tận dụng và khai thác được lợi thế hay không. Điều này đòi hỏi từng doanh nghiệp phải luôn vận động, thích ứng, tìm ra những giải pháp và lộ trình phù hợp điều kiện nội tại của mình. Nếu doanh nghiệp chưa quan tâm đến thị trường nội địa thì cần nghiêm túc tham gia và phát triển mạnh hơn. Thực tế cho thấy, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra từ trước đã đầu tư vào phân khúc tiêu thụ trong nước. Bởi, có 45% fillet cá tra xuất khẩu, còn lại các phụ phẩm (mỡ, da, dạ dày)… phần lớn được tiêu thụ nội địa. Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp đã và đang có kế hoạch quay về “sân nhà”.
Gian hàng cá tra có mặt tại nhiều hội chợ trong và ngoài nước – Ảnh: Song Nhi
Khi quay về “sân nhà”, doanh nghiệp sẽ gặp những khó khăn nào, thưa ông?
Việc chinh phục thị trường nước ngoài đã khó, nhưng đường về “sân nhà” cũng chẳng mấy dễ dàng. Chắc chắn các doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn. Thứ nhất, hiện nay các sản phẩm từ cá tra còn khá đơn điệu, ít thu hút được sự quan tâm của người dân. Hơn nữa, cá tra cũng sẽ phải cạnh tranh với nhiều loài cá truyền thống khác (trắm, trôi, rô phi…) có giá thành rẻ hơn. Thứ hai, hệ thống phân phối cá tra đang rất kém, chưa tiện dụng; sản phẩm cá tra mới chỉ được tập trung tại các siêu thị, chợ đầu mối. Và để đưa được các sản phẩm đến đây, các doanh nghiệp cũng phải chịu mất nhiều chi phí (vận tải, chiết khấu…), theo đó đẩy giá bán trong nước lên cao. Hiện, giá cá tra fillet đông lạnh xuất khẩu 56.000 – 60.000 đồng/kg, trong khi giá cá tra cắt khúc đông lạnh bán trong nước 70.000 – 80.000 đồng/kg, fillet 90.000 đồng/kg. Thứ ba, các doanh nghiệp chưa nhận được sự bảo hộ của Nhà nước nên vẫn chịu sự cạnh tranh không lành mạnh từ các đơn vị làm hàng giả, hàng nhái kém chất lượng.
Đâu là giải pháp giúp doanh nghiệp cá tra tận dụng được lợi thế tại thị trường nội địa, thưa ông?
Trước hết, Nhà nước cần đẩy mạnh truyền thông, quảng bá, giới thiệu sản phẩm cá tra thông qua các hội thảo, chương trình xúc tiến thương mại. Từ đó, có lộ trình, dần đưa vào nhiệm vụ xây dựng sản phẩm quốc gia có hiệu quả, cần thiết xây dựng festival dành riêng cho cá tra. Ngoài ra, tài trợ cho các doanh nghiệp nghiên cứu sản phẩm mới, đa dạng và thích ứng hơn với thị hiếu của người tiêu dùng; Đồng thời bảo hộ tốt hơn cho những đơn vị sáng tạo ra những sản phẩm mới, chất lượng.
Về phía các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra cần thực hiện các giải pháp nhằm giảm giá thành, cước vận chuyển, hệ thống phân phối lưu thông tốt hơn, để có giá bán hợp lý, tăng sức cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại. Điều quan trọng, các doanh nghiệp cần quan tâm và tôn trọng hơn đối với người tiêu dùng, không đưa ra thị trường những sản phẩm thải loại (bị từ chối xuất khẩu do chất lượng thấp), nghiên cứu tìm ra những sản phẩm mới, đa dạng hơn.
>> “Một số doanh nghiệp đã và đang đẩy mạnh quảng bá sản phẩm cá tra, basa vào các siêu thị trong nước với chất lượng tương đương hàng xuất khẩu. Đồng thời, xây dựng mối liên kết với hệ thống các siêu thị để tiêu thụ những sản phẩm đảm bảo chất lượng với giá ổn định”, ông Ngô Quang Tú, Trưởng phòng Chế biến Bảo quản Thủy sản – Cục Chế biến, Thương mại Nông Lâm Thủy sản và Nghề muối cho biết thêm. |
Bình luận gần đây