Thị trường Singapore: Cơ hội có thật
Nhập khẩu hơn 1,1 tỷ USD
Nằm ở vị trí chiến lược trong vùng lưu thông hàng hóa giữa châu Á, châu Úc, châu Âu, Trung Đông và Mỹ, Singapore là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới và phụ thuộc nhiều vào thương mại quốc tế, đứng thứ 14 về xuất khẩu và 15 về nhập khẩu.
Là một quốc đảo với diện tích 718 km2, dân số gần 5,5 triệu người, đất dành cho nông nghiệp rất ít, sản lượng lương thực hạn chế, Singapore hiện nhập khẩu hơn 90% thực phẩm cần thiết để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và 10 triệu khách du lịch mỗi năm. Năm 2014, Singapore nhập khẩu 12,66 tỷ USD mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Trong đó, giá trị nhập khẩu cá và các loại hải sản đạt hơn 1,1 tỷ USD từ nhiều nguồn cung khác nhau như: Na Uy, Australia, Nhật Bản, Thái Lan, Ấn Độ Malaysia, Indonesia, Trung Quốc và Việt Nam…
Thống kê của Tổng cục Hải Quan Việt Nam cho thấy, 5 năm trở lại đây, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Singapore tăng đều. Năm 2010, xuất khẩu của Việt Nam sang Singapore chỉ đạt 74 triệu USD, năm 2014 đạt 108,9 triệu USD và 8 tháng đầu năm 2015 là 69,3 triệu USD.
Ưa thích sản phẩm giá trị cao
Người Singapore ưa chuộng hải sản, nhất là vây cá, cua, tôm hùm và ngao. Họ thường mua vây cá tại các sạp hải sản tươi, nhưng lại đến nhà hàng để hưởng thức các món tôm hùm, cua.
Với GDP bình quân đầu người ở mức cao nhất thế giới, 54.713 USD/năm, Singapore là thị trường có xu hướng quan tâm đến những sản phẩm thủy sản giá trị cao. Người dân Singapore sẵn sàng trả tiền mua các loại cá, thủy hải sản chất lượng cao, tiện lợi, dễ chế biến nhằm tiết kiệm được công sức và thời gian.
Cảng cá Jurong, Singapore – Ảnh: Eyesthrutheless
Singapore có chế độ nhập khẩu rất mở. Tất cả các loại thực phẩm đều được miễn thuế nhập khẩu, ngoại trừ đồ uống có cồn và thuốc lá. Trên thực tế, không có những hàng rào phi thuế quan nào ở thị trường này bởi có quá ít sản phẩm nội địa và các chính sách của chính phủ trong thời gian gần đây là để tìm kiếm nguồn thực phẩm từ khắp nơi trên thế giới. Thủ tục hải quan đối với các sản phẩm thực phẩm được thực hiện bằng điện tử hóa và quá trình này được hoàn tất trong vòng chưa đến 48 giờ.
Rộng cửa với thủy sản Việt
Sản phẩm thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Singapore bước đầu đã nhận được phản hồi tích cực từ thị trường này. Ông Lee Boon Cheow, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Bán buôn cá của Singapore cho hay: “Cá đông lạnh của Việt Nam rất phổ biến tại Singapore. Giá cá của Việt Nam rất hợp lý, phù hợp với nhu cầu của thị trường Singapore và thông thường cá của Việt Nam được chế biến có khẩu vị phù hợp với người tiêu dùng tại đây. Ngoài ra, phí vận chuyển cũng rất tốt vì Việt Nam gần Singapore”.
Để hoạt động xuất khẩu thủy sản đạt được hiệu quả cao hơn, theo Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương), các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam muốn xuất khẩu sang Singapore nên chú ý và tìm hiểu kỹ về các quy định xuất nhập khẩu, thuế, kiểm dịch cùng những quy định riêng của thị trường này. Ngoài ra, cần chú trọng nghiên cứu về nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng Singapore nhằm tạo ra những sản phẩm thích hợp, nhất là các sản phẩm giá trị gia tăng.
Với các FTA và TPP mà Việt Nam vừa tham gia, chắc chắn sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp thủy sản Việt Nam mở rộng thị trường. Đồng thời, từ năm 2016, việc tham gia Cộng đồng ASEAN cũng như một số hiệp định thương mại tự do thế hệ mới sẽ được ký kết hoặc bắt đầu có hiệu lực cũng sẽ có những tác động tích cực đến ngành hàng thủy sản trong việc gia tăng đầu tư và mở rộng thị phần tại thị trường Singapore nói riêng, các thị trường khác nói chung.
>> “Hàng tháng, Singapore nhập 8.000 – 10.000 tấn hàng thủy sản đông lạnh từ 27 nước, trong đó Việt Nam chiếm hơn 30% lượng hàng nhập khẩu này”, ông Goh Kah Meng, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Thủy sản Singapore cho biết. |
Bình luận gần đây