Miền Tây ‘khát’ tôm nguyên liệu

Năm 2015, người nuôi tôm và doanh nghiệp chế biến chịu nhiều thiệt hại khi giá tôm liên tục đi xuống. Nhiều hộ nuôi buộc phải thu hẹp diện tích để cắt lỗ khiến nguồn tôm nguyên liệu cho các nhà máy chế biến giảm. Đặc biệt, 3 tháng đầu năm nay, lượng hàng cung ứng cho các nhà máy rất thấp.

Đại diện một công ty thủy sản ở Cà Mau cho biết, các hợp đồng mà công ty ký trước đó buộc phải lùi lại thời gian vì nguồn hàng thiếu hụt, công suất nhà máy giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái. 

“Đầu năm nay giá tôm xuất khẩu đã có dấu hiệu phục hồi nhưng chúng tôi lại gặp khó khăn trong khâu nguyên liệu vì bà con trong vùng thu hẹp diện tích nuôi, các tỉnh lân cận dường như chỉ dám nuôi với quy mô nhỏ. Nguyên nhân là do thời tiết thiếu thuận lợi”, đại diện công ty trên cho biết.

doanh-nghiep-che-bien-tom-ngac-ngoai-vi-thieu-nguyen-lieu

Thời tiết nắng nóng khiến người nuôi thu hẹp diện tích tôm – Ảnh: MH.

Là nhà máy chế biến và xuất khẩu tôm lớn nhất ở Cà Mau, Công ty Minh Phú cũng cho hay, công suất chế biến của công ty thời gian qua giảm so với cùng kỳ vì thiếu hụt nguyên liệu. Công suất nhà máy chỉ đạt 80 – 90%.

“Nhờ chủ động nguồn nguyên liệu nên tại Minh Phú tỷ lệ thiếu hụt không cao như các đơn vị kinh doanh khác. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài cũng ảnh hưởng đến hoạt động chế biến tôm”, đại diện công ty cho biết.

Không chỉ thiếu hụt tôm nguyên liệu, Công ty cổ phần thủy sản Sài Gòn Food cho biết, nguồn nguyên liệu thủy hải sản cho chế biến mới chỉ đáp ứng được 15% nhu cầu. Sản lượng còn lại phải nhập từ Nhật Bản, Na Uy, Canada… khiến giá thành của sản phẩm chế biến luôn ở mức cao hơn so với nguồn hàng trong nước, dẫn đến khó tiêu thụ.

Trao đổi với PV, ông Ngô Thanh Lĩnh, Tổng thư ký Hội Chế biến thủy sản tỉnh Cà Mau cho biết, mấy tháng gần đây tình trạng thiếu nguyên liệu liên tục xảy ra ở Cà Mau dù nơi đây là vựa nuôi tôm lớn nhất cả nước. Nguồn hàng cung ứng chỉ đạt 37 – 38% công suất chế biến của nhà máy. Trong số 33 nhà máy chế biến của toàn tỉnh thì có 17 cơ sở thiếu nguyên liệu, chiếm gần 50% số lượng nhà máy đang hoạt động.

“Không chỉ tại Cà Mau mà các tỉnh lân cận cũng chỉ còn lác đác khu vực nuôi trồng. Thời tiết khô hạn, nắng nóng kéo dài khiến trên 3.000 ha đất nuôi tôm trái vụ ở Cà Mau mất trắng. Tình hình thiếu nguyên liệu sẽ tiếp tục xảy ra trong một vài tháng tới”, ông Lĩnh nói và cho biết, năm 2015 là một năm khó nhất đối với người nuôi tôm trong 10 năm qua vì giá bán tôm quá thấp khiến dân bị lỗ nên đến đầu 2016 khi có ý định nuôi lại thì gặp phải thời tiết bất thường, nắng nóng đột ngột dẫn đến phải dừng hẳn khiến lượng hàng cung ứng ra thị trường thấp.

Ngược lại, thị trường xuất khẩu tăng nhập hàng trở lại nên hiện tại cung không đủ cầu. Tình hình xuất khẩu 2 tháng của các doanh nghiệp Cà Mau đạt gần 130 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, mức này chưa đạt kỳ vọng vì các năm trước tỷ lệ xuất khẩu quá thấp. 

Theo ông Lĩnh, để khắc phục tình trạng thiếu tôm nguyên liệu, nhiều nhà máy đã mua nguyên liệu từ một số nước lân cận và các tỉnh khác về chế biến. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng sát sao hơn trong việc thu mua hàng tại các hộ nông dân. Tuy nhiên, để nguồn nguyên liệu ổn định, các doanh nghiệp nên tự tạo cho mình một quy trình khép kín để từ đó sản phẩm bán ra luôn đảm bảo chất lượng, mà nguồn hàng ít phụ thuộc.

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *